Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Quy mô tín dụng đang vượt quy mô huy động vốn
T.L - 17/10/2024 16:45
 
Tính tới thời điểm này, tín dụng tăng 9%, đạt quy mô 14,7 triệu tỷ đồng trong khi huy động vốn tăng khoảng 5,28%, quy mô khoảng 14,5 triệu tỷ đồng.

Chiều nay 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2024.  Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến nay, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023, đạt quy mô khoảng 14,7 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, huy động vốn tăng 5,28%, quy mô khoảng 14,5 triệu tỷ đồng (nguồn cho vay vượt huy động sử dụng từ vốn điều lệ của các ngân hàng).

NHNN khẳng định, thanh khoản hệ thống dồi dào. Với thanh khoản tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Năm nay, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD ngay từ đầu năm và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.  

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có TCTD tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo, ngày 28/8/2024, NHNN đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của TCTD.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản…Đặc biệt ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Về lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.

Về tỷ giá, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.

Về hoạt động kinh doanh vàng, NHNN cho hay đến nay nhờ các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp

Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT. ​Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Với các tổ chức tín dụng, NHNN chỉ đạo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, TTCP; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”…  

Cho vay không tài sản đảm bảo mới chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng tam nông
Bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 16,27%/năm. Trong đó, dư nợ cho vay không có tài sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư