Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quyết liệt đốc thúc giải ngân đầu tư công
Hà Nguyễn - 09/02/2022 08:48
 
Là một động lực cho tăng trưởng kinh tế, nên giải ngân vốn đầu tư công được đốc thúc rất quyết liệt, không chỉ là ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, mà còn là “xuyên Việt, xuyên Tết”.
Trong 11 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có 7 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, 4 dự án chưa đáp ứng tiến độ

Đốc thúc “xuyên Việt, xuyên Tết”

Một sự quyết liệt thấy rõ khi ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (một dự án hạ tầng trọng điểm).

Chuyến công tác “xuyên Việt, xuyên Tết”, dọc các dự án từ cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, tới Nha Trang - Cam, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây; rồi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cả Cảng hàng không quốc tế Long Thành... có những niềm vui, nhưng cũng có những băn khoăn, lo lắng.

Vui vì tuyến Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành và khánh thành vào ngày 4/2, tức là ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần, nhưng lo vì hiện còn những dự án dang dở, chậm tiến độ. Chẳng hạn, Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt chỉ đạt 1,5%, một số dự án mới đạt 10-14% tiến độ.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong số 11 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có 7 dự án đang cơ bản đáp ứng tiến độ, 4 dự án chưa đáp ứng tiến độ.

Trong khi đó, việc giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau nhiều năm triển khai vẫn chậm tiến độ. Theo Nghị quyết mới nhất của Quốc hội, thì Sân bay Long Thành phải đưa vào sử dụng trong năm 2025.

“Khi chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư công cần hấp thụ trong 2 năm 2022-2023 là rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, cách tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thì không thể hoàn thành nhiệm vụ”, người đứng đầu Chính phủ nói và cho biết, đây là lý do mà chuyến công tác “xuyên Tết, xuyên Việt” được thực hiện.

Trên thực tế, ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, khi báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh việc cần phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, bởi đây tiếp tục được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 25.300 tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, vốn giải ngân mới đạt 12.950 tỷ đồng, bằng 2,5% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trong nước 12.600 tỷ đồng (đạt 2,6% kế hoạch Thủ tướng giao); vốn nước ngoài 350 tỷ đồng (đạt 1% kế hoạch). Có nghĩa rằng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang chậm.

Thậm chí, ở thời điểm cuối tháng 1/2022, vẫn còn một lượng vốn khá lớn chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ (trên 193.338 tỷ đồng, bằng 37,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). “Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cần được triển khai quyết liệt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thành quả cho sự nỗ lực

Sự nỗ lực và quyết tâm sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và đặc biệt là năm 2021 là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.

Cần nhắc lại, những tháng cuối năm 2021, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương rất sốt ruột khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Nhưng nỗ lực “chạy nước rút” cuối năm mang lại kết quả bất ngờ. Ước đến ngày 31/1/2022, thời điểm kết thúc niên hạn ngân sách năm 2021, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng giao. Chỉ riêng 6 tháng cuối năm, đã giải ngân được 64,45% kế hoạch cả năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (64,04%).

Khi chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư công cần hấp thụ trong 2 năm 2022-2023 là rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, cách tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Con số 93,47% là thấp so với mức đạt được của năm 2020 và cũng thấp hơn so với kỳ vọng được đặt ra từ đầu năm. Song trong bối cảnh đặc thù của năm đầu kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, cũng như do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đây vẫn là kết quả rất ấn tượng.

“Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cho thấy hiệu quả tích cực của các giải pháp, sự chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và sự vào cuộc hiệu quả của các cấp, các ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy và cho rằng, kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo để có thể đạt mục tiêu giải ngân bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao.

Rõ ràng, trong bối cảnh đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có vai trò rất lớn. Và có lẽ, đấy là lý do ngay từ những ngày đầu năm, công tác thúc đẩy giải ngân đã được thực hiện.

Cùng với việc “xuyên Việt, xuyên Tết” để đốc thúc giải ngân, khi ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2022, Chính phủ cũng chỉ đạo phải khẩn trương rà soát phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Cùng với đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công gắn với việc làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đồng thời, chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong chuyến công tác vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặc biệt nhấn mạnh việc xử lý vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án, cũng như công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng... “Muốn giải phóng mặt bằng tốt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, đồng thời có chính sách đền bù thỏa đáng”, Thủ tướng nói như vậy.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải tăng cường phân cấp phân quyền, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, ai làm tốt nhất thì giao, và tất cả phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.

Có được quyết tâm đó, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư