Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Rà lại ưu đãi để hút nhà đầu tư chiến lược
Nguyên Đức - 20/01/2024 08:19
 
Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư, đưa ra các chính sách đa dạng, linh hoạt, bắt kịp với thông lệ quốc tế để có thể thu hút và giữ chân các nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả doanh nghiệp vệ tinh.
Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu có thể lan rộng đến các doanh nghiệp vệ tinh của các tập đoàn lớn. Ảnh: Đức Thanh

Cuộc đua mới “hậu thuế tối thiểu toàn cầu”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang bắt đầu thực hiện kế hoạch rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Theo đó, dự thảo đầu tiên Báo cáo Rà soát tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến công luận.

“Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư, đưa ra các chính sách ưu đãi đa dạng, linh hoạt, bắt kịp với thông lệ quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu tại Nghị quyết 50-NQ/TW, đồng thời giữ chân các nhà đầu tư chiến lược và thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, qua đó xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bao trùm và bền vững”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trên thực tế, chuyện cần thiết phải rà soát tổng thể và sửa đổi chính sách khuyến khích đầu tư được đề cập nhiều thời gian gần đây, do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng tại một số quốc gia bắt đầu từ năm 2024. Hơn nữa, còn là hàng loạt vấn đề liên quan, bối cảnh thế giới thay đổi nhanh và phức tạp, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt. Các nước phát triển cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, trợ cấp về đất đai, điện nước, vốn đầu tư và thuế…, nhằm đưa dòng vốn đầu tư nước ngoài quay về nước…

“Các quốc gia cũng đang có những toan tính và dự định riêng trong việc ban hành các chính sách ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó tạo nên một cuộc đua mới về các chính sách ưu đãi hậu thuế tối thiểu toàn cầu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.

Ưu đãi đầu tư bằng cách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từng và vẫn là “vũ khí lợi hại” giúp không chỉ Việt Nam, mà cả các quốc gia đang phát triển khác thu hút được một lượng không nhỏ vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí, nhằm thu hút “đại bàng”, tháng 8/2021, lần đầu tiên, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được Chính phủ ban hành. Theo đó, ở mức cao nhất, một dự án có thể chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong 37 năm, trong khi mức thuế suất phổ thông là 20%.

Tuy vậy, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tất cả các chính sách ưu đãi về thuế này bị vô hiệu hóa. Đấy chính là lúc cần các đề xuất về việc phải rà soát lại và nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư mới, phù hợp hơn.

“Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi, đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư mới, giống như Mỹ hay Hàn Quốc đang làm, không chỉ là ưu đãi bằng thuế thu nhập doanh nghiệp, mà còn là các chính sách ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư, kể cả là hỗ trợ bằng tiền mặt cho các nhà đầu tư”, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đã nhiều lần nói như vậy.

Ngăn cuộc đua dịch chuyển đầu tư

Thực ra, không chỉ ông Hong Sun hay KorCham có ý kiến như vậy về chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam. Công ty kiểm toán Deloitte, với vai trò là cơ quan tư vấn thuế, cũng cho rằng, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động từ thuế tối thiểu toàn cầu.

Việc áp dụng song song, xen kẽ cả chính sách ưu đãi đầu tư theo thu nhập và ưu đãi đầu tư theo chi phí đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. Việc này để đảm bảo Việt Nam có thể thu hút được các nhà đầu tư thế hệ mới, đi vào thực chất đầu tư, làm gia tăng giá trị, đồng thời xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia có hệ thống ưu đãi đầu tư có chiều sâu, hấp dẫn và không “tụt hậu” với quốc tế.

“Ưu đãi theo thu nhập có ưu điểm là dễ quản lý vì thông thường sẽ được kê khai khi quyết toán thuế cuối năm, không phát sinh các khoản phải trả trước từ ngân sách, cũng dễ thu hút các dự án đầu tư mới và phát sinh lợi nhuận sớm ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ phát sinh các trường hợp chuyển giá, chuyển dịch lợi nhuận sang các quốc gia có ưu đãi theo lợi nhuận lớn…”, ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, bày tỏ quan điểm.

Câu chuyện “chuyển giá, chuyển dịch lợi nhuận” không phải lần đầu tiên được nhắc tới. Thậm chí, nỗi lo về việc các nhà đầu tư đến Việt Nam chỉ để “hớt váng” ưu đãi, khi hết thời gian ưu đãi lại ra đi, đã nhiều lần được nhấn mạnh.

Trong dự thảo báo cáo rà soát tổng thể về chính sách ưu đãi đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa đa dạng, chỉ tập trung vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập, hầu như chưa có các hình thức ưu đãi đầu tư dựa trên chi phí. Bởi thế, chưa thực sự khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất, có lợi ích lâu dài.

Thậm chí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, việc phụ thuộc quá nhiều vào các ưu đãi dựa trên thu nhập có thể “phản tác dụng” do công tác quản lý thuế còn nhiều hạn chế, tạo ra “kẽ hở” để các doanh nghiệp thực hiện hành vi dịch chuyển lợi nhuận sang các nơi có thể hưởng lợi từ ưu đãi thuế.

Chưa kể, còn hàng loạt hạn chế khác đã được chỉ ra, như chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế, chính sách ưu đãi chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào năm 2024…

Nỗi lo việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến các quyết định mở rộng đầu tư của các công ty đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam, hay làm giảm động lực lựa chọn Việt Nam là điểm đến của các “ông lớn” đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam cũng được nhắc đến. Thậm chí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo rằng, ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu sẽ còn lan rộng đến cả các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ nằm trong chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn, đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt ngành, như Samsung, LG, Honda…

Để hóa giải nỗi lo trên, cải cách chính sách ưu đãi đầu tư là biện pháp được đề xuất. Đã có 7 định hướng lớn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trong đó có việc phải đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư có tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm, mang tính sàng lọc để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư có chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, R&D…

Và dù nhấn mạnh việc cần thiết có giải pháp cấp bách trong ngắn hạn để giải quyết vấn đề ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, ngăn chặn nguy cơ dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một số nhà đầu tư lớn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh các giải pháp dài hơi hơn.

Ưu đãi đột phá để chọn nhà đầu tư chiến lược
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt và thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng từ năm 2024, cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư