Thứ Ba, Ngày 22 tháng 04 năm 2025,
Rà soát bán thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm chức năng online
Tú Ân - 22/04/2025 16:06
 
Ngày 22/4, vấn đề bán thuốc, sữa trực tuyến là chủ đề nóng tại Tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi".

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua có những sự việc bán hàng, sản phẩm không đảm bảo an toàn chất lượng trên các nền tảng số như lô sữa giả vừa bị phanh phui.

Khi nhận được phản ánh từ báo chí, cơ quan quản lý, Cục Thương mại điện tử và kinh tế đã yêu cầu các nền tảng số lớn về thương mại điện tử, nền tảng số trung gian gỡ bỏ hàng nghìn sản phẩm bao gồm thực phẩm chức năng, sữa.

"Ngay hôm qua chúng tôi cũng đã yêu cầu một số nền tảng thuốc tháo gỡ tất cả những sản phẩm bán lẻ về thuốc kê đơn. Ngay sau khi được cấp phép về thương mại điện tử, những nền tảng dược phẩm rất lớn vẫn bán lẻ thuốc kê đơn trên môi trường thương mại điện tử. Chúng tôi đã có công văn gửi đến yêu cầu tháo gỡ, đăng tải thông tin cảnh báo", bà Hà thông tin.

Tuy nhiên, theo bà Hà, hiện khối lượng lớn sản phẩm thuốc vẫn còn tràn lan nên cần có những biện pháp nghiệp vụ bằng cách sử dụng các nền tảng, tài khoản được cung cấp bởi các nền tảng để truy cập mới có thể rà soát, xử lý được. Vì vậy, xác thực danh tính điện tử đối với người bán trên các nền tảng thương mại điện tử là một chính sách đặc thù.

Tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" do báo Tuổi Trẻ tổ chức: Ảnh: Danh Khang

Còn Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho hay việc tích hợp mua thuốc trên VNeID rất tiện lợi cho người dân nhưng hiện nay Luật Dược mới chỉ quy định bán thuốc không kê đơn trên sàn thương mại điện tử. Trong danh mục của Bộ Y tế quy định hiện nay có trên 80% là thuốc kê đơn, còn thuốc không kê đơn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Do vậy, bà Hà đề nghị để người dân thuận tiện trong việc mua thuốc, cần ban hành các văn bản quy định pháp luật phù hợp. Đồng thời, cần có các căn cứ, quy định pháp luật như tăng cường kê đơn thuốc điện tử.

"Cơ sở pháp lý cần hoàn thiện. Khi thúc đẩy được kê đơn thuốc điện tử sẽ cho phép bán thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử. Khi đó mới là phương thức hoàn thiện dịch vụ tiện lợi cho người dân", bà Hà nêu rõ và mong muốn Bộ Y tế có thúc đẩy, quan tâm ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Đỗ Quyên, Phó tổng giám đốc FPT Retail kiêm giám đốc Điều hành FPT Long Châu khẳng định, việc mua thuốc qua VNeID các bước đều được bảo mật, phải có sự đồng ý, chia sẻ thông tin của khách hàng thì hai bên mới "thông luồng" với nhau. Bên cạnh đó, khách hàng của Long Châu đăng nhập vào ứng dụng của Long Châu bằng mã số định danh điện tử để mua thuốc.

“Hiện có hơn 100.000 lượt khách hàng sử dụng chức năng giữ VNeID và nhà thuốc Long Châu để giao dịch mua thuốc. Thực tế bây giờ chỉ mới mua thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn chắc chắn là không", bà Quyên cho hay.

 Theo bà Quyên, dù đã kết nối với VNeID nhưng theo Luật Dược hiện nay không thể bán thuốc kê đơn. Tuy nhiên, nếu sau này người dân có thể mua thuốc kê đơn trên toa thuốc điện tử của mình được bác sĩ định danh, cơ sở khám chữa bệnh định danh đưa ra thì mới có thể mang lại tiện ích thực sự đối với người dân khi mua thuốc online.

Bà Quyên nhấn mạnh thuốc là mặt hàng đặc biệt quan trọng nên không thể bán ở tất cả các sàn thương mại điện tử mà nên cân nhắc phân loại rõ ràng. Theo đó, có thể nghiên cứu quy định chỉ các website, ứng dụng đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn Nhà nước về giao dịch điện tử mới có thể bán thuốc trực tuyến.

Về ứng dụng đạt chuẩn để mua được thuốc điện tử, theo bà Quyên, phải được phát triển bởi một doanh nghiệp được Nhà nước chứng nhận. Không thể là ứng dụng hay một website của hộ kinh doanh cá thể, không có người nào thực sự chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra sự vụ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư