Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 12 năm 2024,
Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật, pháp lệnh: Đòi hỏi từ thực tiễn
Bảo Duy - 21/07/2021 08:23
 
Chiều nay (21/7), theo lịch trình, các đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021.



Giới chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đang đặc biệt trông chờ vào kết quả cuộc họp này.

Thực ra, đây là nội dung làm việc luôn có trong các kỳ họp đầu năm của Quốc hội kể từ khóa XIV, khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sẽ được thông qua hằng năm, thay vì cả nhiệm kỳ như trước để đảm bảo tính linh hoạt. Nhưng bối cảnh hiện tại đang rất khác, đòi hỏi tư duy lập pháp, cách thức lựa chọn các dự án luật, pháp lệnh đưa vào chương trình và cả cách làm việc của Quốc hội cũng phải “khác” tương ứng.

Bối cảnh khác ở đây, theo cách nhìn của TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, là cơ hội “thay máu” của nền kinh tế. Còn với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đây là điểm bắt đầu của đợt cải cách mới, với trọng tâm là cải cách thể chế và chuyển đổi số sau những khủng hoảng và thúc ép phải thay đổi do Covid-19 gây ra gần 2 năm qua.

Thực tế cho thấy, sự dịch chuyển của dòng vốn quốc tế khi Covid-19 được kiềm tỏa, và sự xuất hiện các doanh nghiệp, phương thức kinh doanh của nền kinh tế số, của cuộc cách mạng 4.0... sẽ mở ra cơ hội bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam. TS. Nguyễn Đình Cung còn nhắc tới dư địa thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp, có thể vượt lên trong ASEAN, nhất là khi đại dịch đã thay đổi cấu trúc nhiều doanh nghiệp Việt, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng chất lượng hơn, thúc đẩy đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp...

Nhưng việc nền kinh tế Việt Nam có tận dụng được xu hướng trên để tạo nên những thay đổi trong mô hình tăng trưởng, tạo nền tảng cho việc hình thành và phát triển các cấu trúc kinh tế mới hay không phụ thuộc rất lớn vào thể chế phân bổ nguồn lực, thể chế các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động, công nghệ. Điều này còn phụ thuộc vào hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư, kinh doanh, kinh tế số...

Theo yêu cầu các nghị quyết Trung ương, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, để thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, vẫn còn trên 30 dự án luật cần được nghiên cứu, chuẩn bị sửa đổi. Có thể nhắc tới Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân...

Theo Danh mục Các luật, pháp lệnh cần được ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, vẫn còn 10 dự án luật, pháp lệnh cần tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...

Những chậm trễ trên đã kéo dài tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật đang khiến dòng chảy kinh doanh ách tắc, làm khó cho sự xuất hiện, phát triển các phương thức, ý tưởng kinh doanh mới. Ở góc độ khác, những chậm trễ đó đang làm một số ngành, lĩnh vực rơi vào khoảng trống pháp lý, khiến cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp lúng túng. Đã có những “dòng máu mới” của thời đại không có chỗ trú chân tại Việt Nam do những trở ngại này.

Trong báo cáo dòng chảy pháp luật 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp công bố hồi đầu năm, các doanh nghiệp đang chờ đợi một đợt tổng rà soát hệ thống quy pháp pháp luật, xác định những luật, pháp lệnh ưu tiên sửa đổi để hoàn thiện thể chế về thị trường, thúc đẩy phát triển ngành nghề mới, phát triển kỹ năng mới... Quan trọng là các rà soát này phải được thực hiện với tư duy pháp luật là để thị trường vận hành tốt hơn, chứ không phải để quản lý thị trường.

Đang có ý kiến đề nghị Quốc hội chủ động đưa ra chương trình xây dựng pháp luật, phối hợp với đề xuất của Chính phủ để có danh mục và tiến trình thực hiện phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của nền kinh tế. Quốc hội khóa XIII từng làm việc này khi yêu cầu Chính phủ hoàn thành Danh mục Ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư, thay vì sẽ ban hành dưới hình thức nghị định như đề xuất trước đó. Quyết định đó đã tạo “cuộc cách mạng” về điều kiện kinh doanh trong 5 năm qua, góp phần mở rộng dư địa, nâng chất môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

Nhưng rất cần ý chí và quyết tâm chính trị lớn của cả hệ thống chính trị, trước hết là của Quốc hội, của từng đại biểu trong kỳ họp này để đáp ứng các đòi hỏi trên. Dù thực hiện theo cách thức nào, thì mục tiêu cuối cùng của các chương trình xây dựng pháp luật mà các đại biểu sẽ bàn tới phải là thúc đẩy dòng chảy của cuộc sống, của xu hướng phát triển, của nền kinh tế.

Công bố danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khoá XV, nhưng danh sách chính thức những người trúng cử được công bố chỉ còn 499 người.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư