Thứ Năm, Ngày 03 tháng 07 năm 2025,
Rõ dần phương án thu phí 18 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư
Anh Minh - 03/07/2025 09:31
 
Nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, ngay trong năm đầu tiên triển khai, 18 phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Nhà nước đầu tư có thể đạt doanh thu thu phí lên tới hơn 4.500 tỷ đồng.

Thêm nguồn lực lớn

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có Tờ trình số 39/TTr-CĐBVN đề nghị Bộ Xây dựng phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc Hòa Liên - Túy Loan và các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam trong vai trò là cơ quan quản lý tài sản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép tổ chức, quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với 13 phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Nhà nước đầu tư 100% vốn, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng; Vũng Áng - Bùng; Bùng - Vạn Ninh; Vạn Ninh - Cam Lộ; Hòa Liên - Túy Loan; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Quy Nhơn - Chí Thạnh; Chí Thạnh - Vân Phong; Vân Phong - Nha Trang; Cần Thơ - Hậu Giang; Hậu Giang - Cà Mau.

Theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, phương thức khai thác đối với 13 phân đoạn này là cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thời hạn khai thác tài sản là 7 năm kể từ ngày bắt đầu thu phí.

Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Xây dựng giao cho Cục tổ chức thu phí trên các tuyến cao tốc sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 130/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 của Chính phủ về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

“Trong quá trình đánh giá thực hiện chính sách hoặc sau khi hết một chu kỳ khai thác thiết bị, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương thức khai thác khác phù hợp”, ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2025, trên cơ sở đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 496/QĐ-BXD phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Đây cũng chính là 5 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, sử dụng vốn đầu tư công được Bộ Xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác trong giai đoạn 2022 - 2023.

Như vậy, nếu được Bộ Xây dựng phê duyệt, toàn bộ 18 dự án thành phần sử dụng 100% vốn đầu tư công thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án Đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã có phương án thu phí.

Dự kiến, ngay trong năm đầu tiên thu phí, 18 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Nhà nước đầu tư sẽ mang lại doanh thu thu phí khoảng 4.500 tỷ đồng.

Trong đó, 13 dự án thành phần được đề cập tại Tờ trình số 39 sẽ đạt doanh thu thu phí trong năm đầu tiên là 2.636,39 tỷ đồng và sẽ tăng lên 2.898,84 tỷ đồng trong năm thứ hai; 3.195 tỷ đồng trong năm thứ ba; 3.530 tỷ đồng trong năm thứ tư; 3.911 tỷ đồng trong năm thứ năm; 4.143,32 tỷ đồng trong năm thứ sáu và 4.377,91 tỷ đồng trong năm thứ bảy.

Sau khi trừ chi phí quản lý, chi phí thuê đơn vị vận hành thu và các chi phí liên quan đến công tác thu phí, 13 dự án thành phần này sẽ nộp ngân sách khoảng 23.088,3 tỷ đồng.

Đảm bảo minh bạch thu phí

Về cơ chế tổ chức khai thác thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các Khu Quản lý đường bộ khu vực là đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường bộ trong phạm vi quản lý; trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Việc quản lý, khai thác và tổ chức thu phí thông qua trạm đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu và quản lý sẽ áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và đơn vị vận hành thu, vì vậy không làm phát sinh thêm tổ chức bộ máy, biên chế.

Các Khu Quản lý đường bộ khu vực trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam chỉ thực hiện chức năng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát công tác thu phí.

“Việc tổ chức thu phí sẽ áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, có kết nối liên thông với các đoạn tuyến cao tốc khác trên cùng tuyến. Công nghệ này đảm bảo công tác thu phí được thực hiện chính xác, công khai, minh bạch và thuận tiện, thông qua việc đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và đơn vị vận hành thu; cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát”, ông Nguyễn Viết Huy thông tin.

Mặc dù vậy, để có thể tiến hành thu phí 18 tuyến cao tốc nói trên, Cục Đường bộ Việt Nam phải đáp ứng thêm một số điều kiện quan trọng khác như: hoàn thành xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí; thiết bị phục vụ thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thiết bị công nghệ phục vụ quản lý, điều hành giao thông.

Đối với việc đầu tư, xây dựng hạ tầng trạm thu phí và mua sắm thiết bị tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ triển khai những hạng mục này, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2025.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống điều hành, kiểm soát giao thông thông minh (ITS), thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; hệ thống Back-End và cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

“Trong quá trình nghiên cứu, phê duyệt dự án đầu tư hệ thống ITS, ETC, Back-End và cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ, các cơ quan liên quan (tư vấn, chủ đầu tư...) đã đánh giá việc kết nối, tính đồng bộ toàn hệ thống; đảm bảo sự thống nhất, kết nối liên thông giữa hệ thống ETC của các dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông với hệ thống của hai dự án thu phí tự động không dừng đang vận hành là BOO1 và BOO2. Tiến độ đầu tư các hạng mục này cũng sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2025”, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Đối với việc đầu tư trạm dừng nghỉ, theo phê duyệt của Bộ Xây dựng, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến đầu tư mới 24 trạm dừng nghỉ, trong đó 3 trạm chưa có trong dự án đầu tư, 21 trạm đã có trong dự án.

Tính đến nay, có 18/21 trạm đã ký hợp đồng với nhà đầu tư, 3/21 trạm chưa ký hợp đồng. Tại 18 trạm đã ký hợp đồng, tiến độ triển khai được đánh giá là chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, có thể không hoàn thành vào cuối tháng 12/2025.

“Đây chính là nút thắt ảnh hưởng lớn đến mục tiêu thu phí toàn bộ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Nhà nước đầu tư vào ngày 1/1/2026”, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam lo lắng.

Lựa chọn phương án tối ưu và khả thi để đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 323/TB-VPCP Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về nghiên cứu đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư