Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 16 tháng 02 năm 2025,
Rút đề xuất chưa có tiền lệ trong cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt mới
Nguyễn Lê - 15/02/2025 19:55
 
Chính phủ xin rút chính sách thứ 19 trong cơ chế đặc thù, đặc biệt để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trần Hồng Minh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ chín, chiều 15/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Tại tờ trình nội dung này, Chính phủ đề xuất 19 cơ chế đặc thù, đặc biệt để thực hiện thành công và sớm hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu (lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2030).

Trong đó, chính sách thứ 19, theo Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) là chưa có tiền lệ. Chính sách này quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, nếu trong quá trình thực hiện dự án xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.

Tại cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng, với tiến độ cấp bách của Dự án thì việc chuẩn bị đầu tư sẽ có thể xảy ra những bất cập, chưa thể đánh giá được; chính sách này sẽ góp phần bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị làm rõ phạm vi đối tượng, các loại hành vi được miễn trừ, xác định rõ các yếu tố lỗi do vô ý, không vụ lợi, các trách nhiệm cụ thể được miễn trừ.

Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, pháp luật hiện hành đã có quy định về miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ; quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Mặc dù Dự án được triển khai trong thời gian gấp, nhưng quá trình xây dựng hoàn thiện hồ sơ Dự án đều đã tuân thủ theo quy trình thủ tục của pháp luật. Việc áp dụng cơ chế có thể tạo ra chính sách không đồng đều đối với các cán bộ, công chức đã tham gia tham mưu các dự án có tính chất tương tự. Do đó, chính sách nêu trên cần được cân nhắc.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là chính sách chưa có tiền lệ, do vậy, trường hợp cần thiết, Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận xét, chính sách thứ 19 rất dễ gây hiểu nhầm là khi những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy nhanh dự án này mà sau này xảy ra những chuyện như tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm thì sẽ được miễn trừ trách nhiệm.

“Chỗ này, nếu không cẩn thận thì người ta lại nghĩ mình ra nghị quyết miễn trừ trách nhiệm cho tiêu cực và tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai dự án này. Do vậy, nên cân nhắc sửa lại để làm sao thấy rõ trách nhiệm của khâu tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện thì khâu thực hiện phải chịu trách nhiệm, chứ không phải khâu ban hành chính sách”, ông Cường góp ý.

Báo cáo giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trần Hồng Minh nói riêng chính sách thứ 19 “xin tiếp thu và nội dung này tôi xin bỏ qua”.

“Chính sách này, chúng tôi muốn để thể chế hóa Kết luận 14 của Trung ương, Bộ Chính trị ngày 22/9/2021 và giới hạn miễn trừ trách nhiệm cho những người tham mưu ban hành chính sách, chứ không phải cho toàn bộ các đối tượng thực hiện dự án. Nhưng khi các đồng chí có ý kiến thì nội dung này xin được bỏ qua”, ông Minh nói thêm.

Các chính sách khác, theo Bộ trưởng là cần thiết. Bời dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Đồng thời, với chủ trương của Đảng về tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sẽ là một động lực để góp phần tăng trưởng, ông Minh giải thích.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng hồi âm quan tâm của đại biểu về nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm an toàn nợ công.

Theo đó, để chủ động linh hoạt trong sử dụng vốn thì dự án sử dụng nguồn vốn gồm vốn trong nước, nguồn vốn vay nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác. Về vốn trong nhiệm kỳ 2025-2030, Chính phủ sẽ cân đối để trình Quốc hội.

Với bảo đảm an toàn nợ công, ông Minh nói tại thời điểm này, Bộ Tài chính tính theo GDP hiện nay, nếu thực hiện dự án thì tăng trần nợ công từ 1,4% đến 1,5% GDP. Nhưng nếu trong giai đoạn 2026-2031, tăng trưởng GDP 2 con số thì trần nợ công này sẽ giảm đi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư