Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sá xị Chương Dương bị hủy niêm yết
Minh Khôi - 03/04/2024 13:56
 
Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương bị HoSE huỷ niêm yết cổ phiếu sau khi kiểm toán với khoản lỗ luỹ kế hơn 200 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 12 tỷ đồng.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có thông báo gửi Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán: SCD) về việc huỷ niêm yết cổ phiếu.

Quyết định này được đưa ra sau khi HoSE nhận được báo cáo tài chính của công ty với mức lỗ sau thuế 119,25 tỷ đồng, kéo theo lỗ luỹ kế hơn 200 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11,73 tỷ đồng. 

Theo HoSE, cổ phiếu SCD bị huỷ niêm yết vì "kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất".

Trước khi nhận công văn về việc huỷ niêm yết, cổ phiếu của công ty đã bị HoSE đưa vào diện kiểm soát từ ngày 24/08/2023 vì báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm ghi nhận lỗ lũy kế gần 120 tỷ đồng. Ban lãnh đạo sau đó cho biết công ty đã nỗ lực rất nhiều về tối ưu hóa chi phí và đẩy mạnh kinh doanh, nhưng doanh thu vẫn giảm do sụt giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nước giải khát, cộng thêm tồn kho của đối tác tăng cao. Để thoát lỗ, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp như tăng độ phủ và kênh phân phối nhằm tăng sản lượng bán hàng, tối ưu hóa chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SCD hiện giao dịch ở vùng giá 13.650 đồng với thanh khoản không đáng kể. Cả phiên sáng 3/4, cổ phiếu này không ghi nhận giao dịch nào được thực hiện. 

Lũy kế cả năm, công ty ghi nhận doanh thu 141 tỷ đồng và lỗ sau thuế xấp xỉ 120 tỷ đồng. Kết quả này kém xa so với mục tiêu doanh thu 365 tỷ đồng và lãi 3,8 tỷ đồng được ban lãnh đạo đề ra trước đó. Thực tế, ban lãnh đạo đã thừa nhận không dễ để hoàn thành kế hoạch bởi "các thách thức mà công ty đối diện trong năm nay rất nhiều". Công ty lo lắng lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng khiến chi phí tài chính bị đội lên và dự thảo đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có thể làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, hàng loạt nhân sự phòng kinh doanh nghỉ việc khiến kênh bán hàng truyền thống chịu áp lực lớn.

Trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh mới đây, ban lãnh đạo công ty cho biết, hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu thấp hơn dự kiến đi kèm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm đều tăng cao. Đồng thời, chi phí thuê đất tăng cũng như các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài cao đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tổng tài sản đạt 687 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả của công ty xấp xỉ 700 tỷ đồng, tăng hơn 210 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn là khoản mục biến động mạnh nhất trên báo cáo tài chính khi lên đến 438 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm, trong khi đầu năm chỉ khoảng 93 tỷ đồng.

Sá xị Chương Dương niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ cuối năm 2006. Hiện tại, công ty có 8,5 triệu cổ phiếu đang niêm yết và giá trị vốn hoá thị trường là 115 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với 5,26 triệu cổ phiếu (tương ứng 62,06%)

Cổ phiếu POM chịu áp lực bán mạnh sau tin huỷ niêm yết bắt buộc
Cổ phiếu của Thép Pomina mất đà tăng, chuyển sang giảm hơn 3% trong phiên sáng 3/4 sau khi HoSE cho biết sẽ huỷ niêm yết cổ phiếu này vì doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư