Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Cổ phiếu POM chịu áp lực bán mạnh sau tin huỷ niêm yết bắt buộc
Minh Khôi - 03/04/2024 12:33
 
Cổ phiếu của Thép Pomina mất đà tăng, chuyển sang giảm hơn 3% trong phiên sáng 3/4 sau khi HoSE cho biết sẽ huỷ niêm yết cổ phiếu này vì doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính 3 năm liên tục.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM sáng nay thông báo sẽ thực hiện huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Pomina (mã chứng khoán: POM) do doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp. 

Thông tin cổ phiếu bị huỷ niêm yết khiến POM mất đà tăng của phiên hôm qua, chuyển sang đối mắt áp lực bán mạnh trong phiên giao dịch 3/4. Sáng nay, cổ phiếu này giảm mạnh chưa đến 0,5% so với tham chiếu, xuống vùng 5.000 đồng. Tuy nhiên, từ giữa phiên, thị giá lao nhanh và hiện mất 3,2% so với tham chiếu, xuống 4.860 đồng. Thanh khoản cổ phiếu trong phiên sáng nay đạt hơn 1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 5 tỷ đồng.  

Vùng giá hiện tại của POM đã giảm 16% so với vùng đỉnh 5.800 đồng kể từ đầu năm đến nay. Với hơn 279,6 triệu cổ phiếu đang niêm yết, vốn hoá thị trường của công ty tính theo thị giá hiện tại đạt 1.353 tỷ đồng. 

Vào ngày 28/3, công ty đã gửi đơn xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán. Thời gian gia hạn đến ngày 15/5 Lý giải cho việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, ban lãnh đạo công ty cho biết hiện đang tích cực làm việc với đối tác đầu tư cho phương án tái cấu trúc để cung cấp cho kiểm toán xem xét đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục, cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

“Vì những lý do nhà đầu tư còn đang xem xét để đưa ra bản thoả thuận hợp tác nên cần khoảng thời gian nhất định”, Thép Pomina cho biết thêm.

Theo báo cáo tài chính tự lập, năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.281 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 12.936 tỷ đồng của năm trước và kém xa mục tiêu doanh thu 9.000 đồng được ban lãnh đạo công ty đặt ra. Công ty báo lỗ sau thuế cả năm đến 960 tỷ đồng, vượt xa so với dự tính lỗ 150 tỷ đồng. 

Công ty hiện có 8.809 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Phần lớn trong số này là nợ vay tài chính ngắn và dài hạn. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm là 1.594 tỷ đồng. Lỗ sau thuế chưa phân phối tăng lên 1.270 tỷ đồng.

Mới đây, Thép Pomina cũng công bố kế hoạch tái cấu trúc. Cụ thể, ban lãnh đạo công ty cho biết mục đích của việc tái cấu trúc là để đồng bộ các khâu luyện và cán thép nhằm tối ưu hoá năng lực sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và nhà máy luyện phôi thép Pomina 3. Bên cạnh đó, mục đích khác của phương án tái cấu trúc là lành mạnh hoá cơ cấu tài chính của công ty. 

Theo đó, công ty sẽ thành lập một pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ 2.700-2.800 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng. Pomina sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ (tương đương 900-1.000 tỷ đồng) và nhà đầu tư sở hữu 65% vốn điều lệ (tương đương 1.800-1.900 tỷ đồng). Pomina sẽ góp bằng toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 còn nhà đầu tư mới sẽ góp vốn bằng tiền. 

Nội dung khác của phương án tái cấu trúc là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối Pomina. Tiếp đến, uỷ quyền cho Hội đồng quản trị tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư về việc sáp nhập Công ty cổ phần Pomina 2 và Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ nhằm tận dụng ưu thế lò cao, giảm chi phí sản xuất. Nội dung cuối cùng là chấm dứt đăng ký kinh doanh của 2 đơn vị là Pomina 1 và Pomina 3. 

Sau khi góp vốn, Pomina dự kiến thu hồi lại một khoảng 5.100-5.800 tỷ đồng. Pomina cho biết sẽ dùng số tiền thu hồi được từ pháp nhân mới để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn cho các ngân hàng, khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp và phần vốn còn lại bổ sung vốn lưu động. Trong đó, công ty sẽ trả nợ cho ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) khoảng 3.757 tỷ đồng và trả nợ cho nhà cung ứng khoảng 1.343 tỷ đồng.

Trước đó, ban lãnh đạo công ty cho biết tiến trình tái cấu trúc mạnh mẽ, đặc biệt có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng của công ty. Việc hợp tác chiến lược này sẽ cung cấp nguồn vốn cần thiết để công ty khởi động lại lò cao luyện phôi thép. Công ty dự kiến vận hành lại lò cao trong quý cuối năm nay để đón đầu sự trở lại của các Dự án bất động sản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư