Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Sắc đỏ bao trùm, gần 106 triệu cổ phiếu VND “sang tay”
Tùng Linh - 06/07/2023 19:09
 
Giao dịch tại cổ phiếu VND tăng đột biến, đặc biệt trong nửa đầu phiên chiều. VN-Index cũng đã chấm dứt chuỗi tăng điểm 3 phiên và lực bán ròng mạnh của khối ngoại.

Bán tháo cổ phiếu VND

Cổ phiếu VND của VNDirect là tâm điểm của thị trường trong phiên 6/7, đặc biệt trong nửa đầu phiên chiều. Lực bán chủ động dội mạnh lên cổ phiếu này, đặc biệt nhóm tổ chức trong nước bán ròng đột biến.

Tính chung toàn phiên, đã có tổng cộng 105,88 triệu cổ phiếu VND được chuyển nhượng, tương đương 8,7% lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Giá trị giao dịch đạt 1.952 tỷ đồng.

“Cân” lại lực bán lớn đẩy VND có thời điểm chạm mức giá sàn. Bên mua không phải là nhà đầu tư nước ngoài mà từ khối nội. Đến cuối phiên, VND nhích nhẹ và đóng cửa ở mức giảm 6,48%.

Trong hơn nửa năm qua, giao dịch cổ phiếu VND có độ tương quan lớn với các thông tin về Trung Nam Group. VNDirect là một trong số các đối tác chính thu xếp phát hành trái phiếu cho Trung Nam Group. Đầu giờ sáng nay, theo thông tin từ HNX, CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam - thành viên thuộc Trung nam Group vừa cho biết đã không thanh toán khoản trái phiếu đến hạn ngày 30/6, gồm cả nợ gốc (1.500 tỷ đồng) và nợ lãi (86 tỷ đồng). Ngày dự kiến thanh toán theo công bố là 4/8/2023.

Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 30/6/2022 với kỳ hạn một năm, khối lượng phát hành là 15 triệu trái phiếu với giá phát hành 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phát hành thêm một lô trái phiếu 500 tỷ đồng, được phát hành ngày 14/10/2022 và đáo hạn 29/8/2024.

Theo CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam, lý do chậm thanh toán lãi là các nhà máy điện thuộc thuộc sở hữu của công ty đi vào vận hành thương mại (COD) cuối năm 2021 và vẫn đang trong giai đoạn cân chỉnh nên chưa vận hành tối đa công suất thiết kế. Cùng đó, tốc độ gió thực tế thấp hơn trung bình dự kiến, lãi suất tăng cùng việc EVN chậm thanh toán tiền điện là nguyên nhân khiến công ty này không chuẩn bị kịp dòng tiền.

Tuy nhiên, thông báo của Năng lượng Tái tạo Trung Nam cũng cho biết kế hoạch thanh toán lãi và gốc đã đạt được thoả thuận với trái chủ. Bên cạnh đó, đã có nhiều trường hợp lùi thời hạn thanh toán tương tự đã xảy ra ở nhóm công ty Trung Nam. Đà bán tháo mạnh mẽ tại cổ phiếu VND phiên nay còn chịu ảnh hưởng bởi tin đồn chưa được kiểm chứng liên quan đến nhân sự Trung Nam. Giao dịch đột biến này đã đưa VND trở thành cổ phiếu đạt mức thanh khoản cao nhất trong phiên.  

Sắc đỏ áp đảo, gần 1,1 tỷ đơn vị cổ phiếu được giao dịch

Đà bán tháo mạnh mẽ của VND cũng phần nào kích hoạt dòng tiền giao dịch sôi động. Giá trị giao dịch phiên sáng nay còn thấp hơn cùng thời điểm hôm qua. Tuy nhiên, tới phiên chiều, thanh khoản đã bật tăng. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 21.900 tỷ đồng, tăng 8,1% so với phiên trước.

VND là cổ phiếu duy nhất đạt thanh khoản nghìn tỷ. Tuy nhiên, giá trị giao dịch nhiều cổ phiếu khác cũng ở mức khá như STB (774 tỷ đồng), HPG (738 tỷ đồng), SSI (704 tỷ đồng) hay VNM (536 tỷ đồng)…

Khối ngoại trở lại trạng thái bán ròng, tập trung nhiều nhất ở STB (123 tỷ đồng), VCB (81 tỷ đồng), VNM (69 tỷ đồng). VNM là cổ phiếu hiếm hoi nằm trong top 10 bán ròng nhưng vẫn giữ được sắc xanh cuối phiên.

Ở chiều ngược lại, HPG tiếp tục là cổ phiếu được khối ngoại giải ngân nhiều nhất (54,3 tỷ đồng). Theo thông tin từ Hoà Phát, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 540.000 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2022 nhưng là mức cao nhất kể từ đầu năm nay. Các tín hiệu tích cực cũng góp phần giúp HPG tăng nhẹ lên 27.000 đồng/cổ phiếu (+0,19%).

VND dự kiến phát hành thêm hơn 523 triệu cổ phiếu
Cổ phiếu VND phiên 6/6 bứt phá khi tăng kịch trần lên 19.300 đồng/cp, khớp lệnh khủng nhất trên sàn HOSE với hơn 52,22 triệu cổ phiếu, giá trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư