Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Sacombank yêu cầu VSD chịu trách nhiệm, sẽ làm việc với NHNN để bảo vệ quyền lợi
T.V - 17/02/2023 20:08
 
Tranh cải về room ngoại tại Sacombank chưa chấm dứt sau khi ngân hàng này vừa có yêu cầu VSD chịu trách nhiệm, sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Cuối ngày hôm nay, 17/2, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) đã phát đi thông tin sau nhận được phản hồi từ phía Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) về việc quản lý tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ.

Cụ thể, về vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu Sacombank, tiếp nối các nội dung đã đề cập trong công văn số 06/2023/CV-HĐQT ngày 14/02/2023 của Sacombank gửi đến các cơ quan hữu quan, Sacombank khẳng định: "Từ năm 2016 đến nay, tính cả thời điểm Sacombank đã hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400.000.000 cổ phiếu phát hành thêm sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu Sacombank do Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%".

Đến ngày 10/02/2023, thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu của Sacombank đã tăng lên 30%. Tuy nhiên, phía Sacombank không nhận được bất kỳ văn bản nào từ VSD về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu. Do đó, Sacombank quan ngại về quy trình, thời điểm và cơ sở pháp lý để VSD quyết định thực hiện việc này.

"Cần nhấn mạnh rằng, Sacombank là ngân hàng TMCP đầu tiên tại Việt Nam thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán và chào bán cổ phiếu ra công chúng. Các hoạt động quản lý, công bố thông tin đều được chúng tôi thực hiện chuyên nghiệp, bài bản theo đúng quy định pháp luật và duy trì liên tục trong 31 năm qua", phía Sacombank cho biết.

Việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng, đến Sacombank, đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của Sacombank, làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời.

Sacombank khẳng định: Văn bản số 06/2023/CV-HĐQT ngày 14/02/2023 của chúng tôi hoàn toàn không phải là sự hiểu lầm thông tin mà là yêu cầu VSD làm rõ những vấn đề bất thường trên, giải thích thỏa đáng với cơ quan truyền thông, có hướng giải quyết với Sacombank và chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư nước ngoài".

Về phần mình, Ngân hàng Sacombank cho biết, sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Sacombank đối với vấn đề này.

Ở thời điểm hiện tại, Sacombank là một trong những ngân hàng TMCP hoạt động hiệu quả và đang trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu. Đến hết Quý 4/2022, lợi nhuận chưa phân phối của Sacombank đạt 13.972 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Thu hồi và xử lý được gần 87.900 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 70.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 82% kế hoạch tổng thể.

Theo Sacombank, với những thành quả trên, Sacombank đã trở lại vị thế của mình và là cơ hội đầu tư tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài. "Chúng tôi cũng sẽ chủ động chọn lựa nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng để tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình, chiến lược hoạt động. Do đó, thông tin không rõ ràng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vừa qua sẽ gây tác động tiêu cực tới kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là khi một số quỹ ngoại vì sự việc này đã bày tỏ sự quan ngại đối với năng lực quản trị và cách quản lý thông tin nhà đầu tư", phía Sacombank cho hay.

Vì thế, Sacombank đề nghị VSD thay vì đưa ra lý do kỹ thuật như hiện nay, cần có văn bản giải thích thỏa đáng và hướng xử lý minh bạch, cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Trước đó, ngày 16/2, sau khi Sacombank có văn bản gửi VSD về tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB, VSD đã ra văn bản khẳng định mức room ngoại 30% tại Sacombank là đúng.

Cụ thể, VSD đã có Công văn số 1123/VSD-ĐK.NV để trả lời công văn số 06/2023/CV-HĐQT từ Sacombank. Theo đó, VSD khẳng định quản lý tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ hiện tại, dựa trên các căn cứ:

Thứ nhất, hồ sơ đề nghị của Ngân hàng tại Công văn số 11/2014/CV-HĐQT ngày 26/02/2014 và Công văn số 16/2014/CV- HĐQT ngày 11/03/2014 về việc đề nghị mở lại tỷ lệ sở hữu cổ phiếu STB cho cổ đông (nhà đầu tư) nước ngoài về mức tối đa là 30% vốn điều lệ Sacombank.

Thứ hai, công văn số 829/UBCK-PTTT ngày 04/3/2014 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc giải tỏa tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài của Sacombank và quy định pháp luật về ngân hàng và pháp luật chứng khoán.
VSD khẳng định, kể từ thời điểm đó tới nay, VSD chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ Ngân hàng đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB.

Về thông báo của VSD về việc hạ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa về mức 23,63468%, ông Dương Văn Thành, Tổng giám đốc VSD cho biết, đây là việc cần thực hiện trong thời gian 400 triệu cổ phiếu STB đã đăng ký tại VSD, nhưng chưa được niêm yết bổ sung.
VSD phải phối hợp với HOSE tính toán số liệu sở hữu nước ngoài trên số lượng 1.485.215.716 cổ phiếu đã niêm yết thời điểm đó để phản ánh chính xác số lượng cổ phiếu STB niêm yết mà nhà đầu tư nước ngoài được phép giao dịch trên hệ thống của HOSE.

"Việc này nhằm đảm bảo sau khi HOSE chấp thuận niêm yết bổ sung 400.000.000 cổ phiếu này thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại STB không vượt quá tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại mức 30%", công văn của VSD cho biết.

Còn việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu phát hành do sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank diễn ra trong thời gian khá dài.

Tháng 11/2015, VSD cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với 400 triệu cổ phiếu phát hành do sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank. Đến tháng 9/2017, lượng cổ phiếu trên mới chính thức được niêm yết bổ sung và có thể giao dịch.

Cổ phiếu STB được khối ngoại quan tâm trong thời gian gần đây, nhất là với Dragon Capital - nhóm quỹ đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn mới đây đã có báo cáo về thay đổi sở hữu tại Sacombank.

Trong phiên giao dịch ngày 8/2, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua vào 1,6 triệu cổ phiếu STB nâng số cổ phiếu nắm giữ từ 112,8 triệu cổ phiếu (tương đương 5,984% vốn Sacombank) lên hơn 114,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,0689%).

Nhưng sang phiên ngày 15/2, cổ phiếu STB tiếp tục chịu áp lực bán mạnh và giảm 4,3% xuống 23.350 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch của mã này cũng tăng gấp đôi lên 33,3 triệu đơn vị. Phần lớn áp lực bán này đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong phiên 16/2, khối này đã bán ròng 177 tỷ đồng cổ phiếu STB sau thời gian gom mua mạnh.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý IV/2023, lợi nhuận hợp nhất của Sacombank năm 2022 đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm. Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%. 

Kết phiên giao dịch ngày 17/2, cổ phiếu STB đóng cửa tại mức giá 24.400 đồng/cổ phiếu.

Sacombank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát dưới 1%
Sacombank (Mã: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư