Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Saigontel gặp thách thức trong gọi vốn
Duy Bắc - 11/08/2024 14:52
 
Kinh doanh đi lùi và giá cổ phiếu có dấu hiệu giảm mạnh là thách thức đối với Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) trong việc huy động vốn triển khai đồng bộ 7 dự án trọng điểm.

Tham vọng lớn, nhưng thực hiện hạn chế

Liên tục trì hoãn kế hoạch gọi vốn mới trong bối cảnh kinh doanh chưa khởi sắc, đầu năm 2024, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT) tiếp tục lên kế hoạch kinh doanh tham vọng. Đồng thời, kế hoạch chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ, dù khối lượng chào bán giảm từ 100 triệu cổ phiếu (kế hoạch chuyển tiếp từ năm 2023), tiếp tục được đưa ra. 

Tuy nhiên, thực tế nửa đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh và huy động vốn của Saigontel chưa có dấu hiệu khởi sắc. Về kết quả kinh doanh, nửa đầu năm 2024, Saigontel ghi nhận doanh thu 360,5 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 18,61 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 26,5 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 5,9% so với kế hoạch lãi tham vọng 450 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2023, Saigontel cũng lên kế hoạch tham vọng, nhưng kết thúc năm tài chính, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.390 tỷ đồng, giảm 9,92% so với cùng kỳ và hoàn thành 47,6% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 76,2 tỷ đồng, giảm 29,19% so với cùng kỳ và hoàn thành 18,5% so với kế hoạch.

Được biết, đầu năm, khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Saigontel khá tự tin về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024. “Năm 2024 sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, doanh thu cao hơn và lợi nhuận cao hơn. Công ty có 350 ha đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê. Ngoài ra, Công ty cùng với chính quyền TP.HCM tham gia phát triển thành phố sáng tạo để thu hút các doanh nghiệp nghiên cứu”, ông Tâm nói.

Bên cạnh kết quả kinh doanh đi lùi, sau khi bật tăng đầu năm nhờ câu chuyện kỳ vọng kinh doanh tích cực, cổ phiếu SGT đạt đỉnh ngày 24/6 ở vùng giá 16.350 đồng/cổ phiếu. Nhưng tính tới ngày 23/7, cổ phiếu này đã giảm 22,3%, về 12.700 đồng/cổ phiếu và đang hồi phục sau nhịp bán mạnh, giao dịch vùng 13.950 đồng/cổ phiếu ngày 6/8.

Thực tế, trên lý thuyết, việc các cổ phiếu giảm giá trên 20% từ đỉnh gần nhất có thể xem là đã bước sang chu kỳ giảm giá. Việc giá cổ phiếu SGT quay đầu giảm mạnh trở lại trong bối cảnh việc chào bán cổ phiếu chưa diễn ra, đồng thời thị trường chứng khoán cũng phát đi tín hiệu đảo chiều trên diện rộng sẽ là một thách thức không nhỏ đối với kế hoạch chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Saigontel.

Nhu cầu huy động tới 3.500 tỷ đồng trong năm 2024

Tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm 2024, Ban lãnh đạo Saigontel đã chia sẻ tham vọng triển khai đồng bộ 7 dự án bất động sản công nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Long An Đà Nẵng và hàng loạt dự án bất động sản thương mại. Để đáp ứng việc triển khai đồng bộ nhiều dự án, trong năm nay, Saigontel tiếp tục lên kế hoạch thu xếp nguồn vốn từ 3.000 tỷ đồng đến 3.500 tỷ đồng qua việc tăng vốn từ đối tác chiến lược, vay vốn ngân hàng, các định chế tài chính.

Thực tế, tại thời điểm ngày 30/6/2024, Saigontel chỉ có 245,9 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn ngắn. Việc đầu tư dàn trải nhiều dự án cùng một thời điểm dẫn tới nhu cầu vốn lớn, trong khi tiềm lực tài chính hạn sẽ là thách thức trong đợt huy động vốn mới, cũng như đăng ký tham dự các dự án khác trong tương lai.

Chủ tịch Đặng Thành Tâm cũng thừa nhận: “Hiện nay, vốn chủ sở hữu không còn nhiều, Công ty cần tăng vốn để nhận thêm dự án khác. Ngoài ra, Công ty vẫn chưa có đối tác cho đợt gọi vốn sắp tới, sẽ triển khai sau khi Đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua”.

Như vậy, Saigontel phải sớm huy động vốn thành công để đảm bảo tiến độ, cũng như việc triển khai dự án, sớm đủ điều kiện bàn giao đất, thu hút thêm các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp do đơn vị phát triển, cũng như sớm triển khai các dự án bất động sản thương mại.

Thực tế, dù Saigontel sở hữu nhiều dự án và triển khai đồng bộ, nhưng kết quả kinh doanh những năm qua không đạt được như kỳ vọng. Trong đó, năm 2023, Công ty ghi nhận lợi nhuận giảm 29,19% và hoàn thành 18,5% kế hoạch.

Thêm nữa, hệ số tổng nợ vay trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý II/2024 của Saigontel lên tới 1,83 lần (tổng nợ vay là 3.624,9 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành như Tổng công ty IDICO (chỉ 0,5 lần), Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (chỉ 0,24 lần), Tổng công ty Viglacera (chỉ 0,53 lần)…

Ngoài ra, việc các dự án chậm triển khai đồng nghĩa áp lực đội chi phí đầu tư tăng lên, cũng là thách thức đối với Ban lãnh đạo Saigontel khi liên tục lên kế hoạch tham vọng dựa trên việc bàn giao và ghi nhận các dự án như kế hoạch đầu năm, nhưng thực tế quá trình triển khai luôn chậm hơn nhiều so với kế hoạch kỳ vọng ban đầu.

Như vậy, bối cảnh hiệu quả kinh doanh thấp, tỷ lệ đòn bẩy nợ vay cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong ngành có thể hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của Saigontel. Đồng thời, với việc vốn chủ sở hữu không tăng lên nhanh như kỳ vọng, Saigontel cũng gặp khó trong việc tiếp nhận thêm các dự án mới trong tương lai.

Saigontel huỷ kế hoạch thành lập pháp nhân đầu tư dự án tâm linh ở tỉnh Thái Nguyên
Thông qua kế hoạch đầu tư dự án tâm linh được 8 ngày, CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT - sàn HoSE) huỷ tham gia lĩnh vực công viên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư