Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Samsung phản pháo Apple vụ kích nhân CPU để tăng điểm
Châu An - 05/10/2013 07:33
 
Việc Phó chủ tịch Apple gọi Samsung là kẻ lừa đảo vì cố tình kích nhân CPU chạy với tốc độ cao nhất để đạt điểm benchmark "khủng" đã nhanh chóng gây ồn ào trên các diễn đàn công nghệ.

Phil Schiller của Apple trích dẫn bài viết trên Ars Technica rằng khi chạy công cụ chấm benchmark, cả bốn nhân CPU của Galaxy Note 3 tự động tăng tốc độ lên tối đa là 2,3 GHz, nhờ đó nâng điểm hiệu năng của smartphone lên 20%. Trong khi trên thực tế, hầu hết các nhân đều "nghỉ" khi người dùng mở các ứng dụng để tránh điện thoại hoạt động quá công suất, gây nóng máy và tốn pin một cách không cần thiết.

"Galaxy Note 3 tăng tối đa xung nhịp CPU/GPU khi chạy những tính năng đòi hỏi hiệu suất cao. Chúng tôi không cố tình phóng đại kết quả. Chúng tôi luôn cam kết mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất", phát ngôn viên của Samsung tuyên bố với trang CNet. Có nghĩa, việc tăng tốc độ CPU trên Galaxy Note 3 là do chính các công cụ kiểm tra benchmark đòi hỏi các vi xử lý làm việc tối đa để đo kết quả.

phone-06-4599-1380853220.jpg

Sau bài viết trên trang Ars Technica và thông điệp của Phó chủ tịch Apple, trang Anandtech cũng khiến nhiều người bất ngờ khi khẳng định không chỉ Samsung mà nhiều hãng sản xuất điện thoại Android khác cũng thực hiện các thủ thuật tương tự để đạt điểm benchmark cao hơn.

Anandtech đã theo dõi, thống kê trong nhiều tháng và nhận thấy Samsung tối ưu tốc độ CPU/GPU nhiều nhất, nhưng bộ đôi HTC One và One Mini cũng gian lận trong 4 bài benchmark 3DM, AnTuTu, GFXB 2.7 và Vellamo. LG G2 tối ưu trong 2 bài kiểm tra của AnTuTu và Vellamo... Chỉ có điện thoại của Motorola và dòng Nexus do Google sản xuất không đánh lừa các công cụ đánh giá hiệu năng.

Điểm benchmark hiện được sử dụng rộng rãi trong các bài đánh giá, được coi như một trong những thước đo để so sánh các thiết bị bởi người sử dụng không thể trải nghiệm thực tế tất cả các máy để biết sản phẩm này tốt hơn, nhanh hơn sản phẩm kia. Tuy nhiên, giới công nghệ cho rằng, khi mà các smartphone cao cấp hiện đã có cấu hình khá mạnh và khá giống nhau (như đều dùng chip Snapdragon 800) và đều đáp ứng được các nhu cầu sử dụng hàng ngày, khách hàng không cần quá quan tâm đến điểm số benchmark mà nên tập trung hơn vào những yếu tố khác như thiết kế, giao diện, ứng dụng hỗ trợ, giá cả...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư