Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Sàn chứng khoán Tokyo nhận "mưa chỉ trích" sau sự cố "sập sàn"
Lê Quân - 02/10/2020 14:42
 
Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo trở thành mục tiêu chỉ trích sau sự cố "sập sàn" nhưng không công bố thông tin sớm đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Sự cố “sập sàn” đã gây tổn hại đến lòng tin của nhà đầu tư đối với sàn chứng khoán Tokyo trong bối cảnh Tokyo đang nỗ lực thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế và tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: AFP
Sự cố "sập sàn" đã tổn hại đến lòng tin của nhà đầu tư đối với Sàn chứng khoán Tokyo trong bối cảnh Tokyo tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: AFP

Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Sàn chứng khoán Tokyo phải đóng cửa giao dịch cả ngày (1/10) do lỗi hệ thống, theo Nikkei Asia Review.

Đáng nói, Sàn chứng khoán này phát hiện sự cố phần cứng lúc 7:00 sáng 1/10, nhưng đến 8:00 mới liên hệ với các công ty môi giới và yêu cầu từ chối nhận lệnh giao dịch. Đến 8:39 cùng ngày, đơn vị này mới thông báo hoãn các lệnh giao dịch đến công chúng và thông tin này chỉ công bố trên website của đơn vị.

Tại cuộc họp báo chiều 1/10, Hiroki Kawai, Giám đốc điều hành phụ trách về giao dịch chứng khoán của Sàn chứng khoán Tokyo giải thích, nếu cố gắng nhanh chóng đưa sàn chứng khoán hoạt động trở lại cùng ngày, sẽ không thể tiến hành giao dịch suôn sẻ và ổn định, "vì vậy chúng tôi nghĩ tốt nhất là mở cửa trở lại vào ngày 2/10".

Đến đầu giờ sáng ngày 2/10, Sàn chứng khoán Tokyo thông báo các hoạt động giao dịch sẽ trở lại bình thường trong phiên buổi sáng và các lệnh giao dịch bị gián đoán cũng sẽ được thiết lập lại.

Cách thức xử lý sự cố trên khiến Sàn chứng khoán Tokyo vấp phải làn sóng chỉ trích về khả năng xử lý khủng hoảng của mình và rộng hơn nữa là tham vọng của Tokyo để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Đầu tiên, Sàn chứng khoán Tokyo cho rằng nguyên nhân sự cố vượt xa khỏi "vấn đề của hệ thống cung cấp thông tin thị trường". Việc cung cấp thông tin, thậm chí chỉ một phần thông tin được đánh giá rất cần thiết và giúp các nhà đầu tư phán đoán tốt hơn khi giao dịch được thực hiện trực tuyến trở lại. Tuy nhiên, Sàn chứng khoán Tokyo không đưa ra bất kỳ lời giải thích cụ thể nào cho công chúng cho đến khi diễn ra họp báo lúc 4:30 chiều 1/10, với lý do cung cấp thông tin không rõ ràng là không thích hợp.

Trong khi đó, giữa lúc xảy ra sự cố, Sàn chứng khoán Tokyo vẫn liên lạc với các đơn vị môi giới chứng khoán và trao đổi thông tin. Dẫu biết nhà đầu tư tổ chức cần nhiều thông tin hơn về sự cố trên so với nhà đầu tư cá nhân, nhưng điều khiến các nhà đầu tư cá nhân chỉ trích là việc Sàn chứng khoán Tokyo thiếu thông tin công khai ra bên ngoài, ngay cả việc trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất là khi nào các giao dịch được bắt đầu trở lại.

"Chúng tôi đã dành thời gian điều tra nguyên nhân", Koichi Miyahara, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sàn chứng khoán Tokyo, cho biết. "Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã phát đi thông tin (về sự cố - BTV) nhanh chóng, nhưng chúng tôi lại nhận được những lời chỉ trích rằng chúng tôi đã quá chậm chạp (công bố thông tin - BTV)."

Một quan chức cao cấp của Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Nhật Bản đánh giá, việc thị trường tạm dừng cả ngày là một "vấn đề nghiêm trọng", đồng thời cho rằng: "Chúng ta phải cảnh giác cho đến khi giao dịch được xác nhận thực hiện trở lại."

Chính phủ Nhật Bản và Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đưa ra quan điểm mờ nhạt về sự cố trên. Bình luận về sự việc, Hakubun Shimomura, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do cho biết: "Thật đáng tiếc khi cơ hội giao dịch của nhà đầu tư bị hạn chế".

Còn Taro Kono, Bộ trưởng cải cách hành chính Nhật Bản, trả lời báo chí rằng: "Với số hóa và các chức năng giao dịch trực tuyến, thì việc đảm bảo tiện lợi và bảo mật là hai mặt của một vấn đề". "Nếu bạn không thể đảm bảo an ninh 100%, thì cần tìm cách cải thiện khả năng phục hồi của mình", ông Taro Kono nói thêm.

Sự cố "sập sàn" đã gây tổn hại đến lòng tin của nhà đầu tư về Sàn chứng khoán Tokyo trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài và tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Các nhà phân tích cho rằng, bất kỳ nỗ lực nào để thu hút nhà đầu tư vào thị trường đều cần đến sự hỗ trợ của hệ thống giao dịch ổn định.

Trước đây, Sàn chứng khoán Tokyo từng gặp trục trặc kỹ thuật do lỗi lập trình và ảnh hưởng đến giao dịch của nhà đầu tư trong vòng nửa ngày hồi tháng 11/2005. Một tháng sau đó, hệ thống trên sàn chứng khoán Tokyo cũng "dính" lỗi và ngăn không cho Công ty chứng khoán Mizuho Securities xóa một lệnh bị lập sai và gây tốn kém.

Với sự cố hôm qua 1/10, "các bản ghi vết cho thấy hệ thống có vấn đề về bộ nhớ", Giám đốc thông tin của Sàn chứng khoán Tokyo, Ryusuke Yokoyama, khẳng định tại cuộc họp báo chiều 1/10. Ông Ryusuke Yokoyama cho biết, quá trình giám sát mạng lưới không thấy dấu hiệu bất thường của một cuộc tấn công mạng.

Khi được hỏi về nguyên nhân hệ thống sao lưu của Sàn chứng khoán Tokyo không hoạt động, dù kết quả kiểm tra thường xuyên cho thấy hệ thống vẫn hoạt động bình thường, ông Ryusuke Yokoyama phân trần: "Chúng tôi đã chuyển các bản ghi vết đến Công ty cung cấp giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông Fujitsu để phân tích, nhưng đơn vị này không tìm ra nguyên nhân gốc rễ".

Sàn chứng khoán New Zealand tê liệt ngày thứ 3 liên tiếp do tin tặc
Theo thông báo ngày 27/8, NZX cho biết sàn giao dịch này đã ngừng hoạt động từ buổi trưa do các cuộc tấn công DDoS gây ra lỗi kết nối mạng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư