Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Sản vật của đồng bào dân tộc thiểu số hút khách tại VITM Hà Nội 2025
Nhật Hạ - 11/04/2025 15:32
 
Không chỉ là nơi giới thiệu các điểm đến hấp dẫn, Hội chợ VITM Hà Nội 2025 còn là dịp để các sản vật tinh hoa của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số “chạm” vào thị trường lớn để lan tỏa bản sắc.
Người dân và du khách đến gian hàng Cao Bằng sẽ được trải nghiệm nghề thủ công truyền thống. Ảnh: Hồng Hạnh.

Tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2025, bên cạnh những gian hàng rực rỡ quảng bá điểm đến, đường tour, vé máy bay giá ưu đãi... còn có một không gian rất đặc biệt, nơi những sản phẩm mộc mạc, mang đậm hồn cốt của núi rừng, của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam đang "thì thầm kể chuyện" với người dân Thủ đô và du khách.

Mang những tinh hoa "gõ cửa" trái tim người dân Thủ đô và du khách

Giữa không khí náo nhiệt của Hội chợ VITM Hà Nội 2025, gian hàng Hà Giang luôn tấp nập người ghé thăm. Họ đến không chỉ để ngắm nhìn, nếm thử, mà còn để trò chuyện, để lắng nghe những câu chuyện phía sau mỗi sản phẩm.

Trà shan tuyết, loại trà mọc trên những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đỉnh núi cao không đơn thuần là một thức uống. Với chị Hà Lan Hương, đại diện Công ty TNHH Bích Tấn, mỗi gói trà còn chứa đựng tình yêu quê hương, là kết tinh của khí hậu khắc nghiệt, sương gió vùng cao, cùng công sức của bao người dân vùng đá.

Các sản vật của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang hút khách. Ảnh: Hồng Hạnh.

“Khách Thủ đô rất tinh tế, họ không chỉ quan tâm đến hương vị mà còn hỏi về cách ướp, cách hái trà, thậm chí hỏi cả tên người làm ra. Khi đó, chúng tôi không còn là người bán hàng, mà như người kể chuyện, đưa họ vào hành trình khám phá Hà Giang bằng cả vị giác và cảm xúc”, chị Hương chia sẻ, giọng đầy tự hào.

Gian hàng quảng bá du lịch Hà Giang hấp dẫn du khách đến check-in. Ảnh: Hồng Hạnh.

Cùng với trà, bánh chưng gù, loại bánh độc đáo của người Tày, người Mông cũng trở thành điểm nhấn tại gian hàng du lịch Hà Giang. Những chiếc bánh nhỏ nhắn, gói khéo léo hình lưng gù như lưng người mẹ cõng con giữa núi rừng, được bán hết veo chỉ trong buổi sáng. Người ta ăn bánh không chỉ vì vị nếp dẻo, thịt béo, mà còn bởi cái tình trong từng miếng bánh cái tình của người làm, của cả miền đất Hà Giang thấm đẫm trong lớp lá dong xanh.

Không gian trưng bày của tỉnh Cao Bằng gây ấn tượng mạnh nhờ màu sắc rực rỡ của thổ cẩm, và đặc biệt là bàn tay khéo léo của chị Bàn Thị Liên, người phụ nữ Dao Tiền đến từ xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình. Giữa dòng người nhộn nhịp, chị Liên ngồi lặng lẽ với khung vải và sáp ong, cần mẫn vẽ lên tấm vải những hoa văn cổ truyền, những hoa văn được xem là "bản thảo" ghi lại văn hóa, tín ngưỡng, đời sống tâm linh của đồng bào Dao Tiền.

Chị Bàn Thị Liên vừa trình diễn nghề thủ công truyền thống, vừa giao lưu với người dân Thủ đô và du khách. Ảnh: Hồng Hạnh.

"Đây là lần thứ 4 tôi mang sản phẩm thổ cẩm đến Hội chợ VITM Hà Nội, mỗi lần lại thấy xúc động. Người Thủ đô rất trân trọng nghề truyền thống, có khách nước ngoài còn hỏi xin video quay lại quá trình tôi in vải bằng sáp ong để về chia sẻ cho bạn bè. Lúc đó tôi hiểu, sản phẩm của mình không còn là món hàng đơn lẻ, mà là một phần của di sản văn hóa dân tộc", chị Liên kể, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Thế nhưng, ẩn sau niềm tự hào là những nỗi lo canh cánh. Chị Liên trăn trở: “Chúng tôi giữ nghề, nhưng thiếu nơi giới thiệu. Nếu không có các Hội chợ như VITM Hà Nội, sản phẩm của người Dao Tiền khó có cơ hội đến tay du khách. Tôi mong muốn có thêm các lớp học truyền nghề cho thanh niên bản, để không bị đứt gãy thế hệ và bản sắc”.

Ở khu trưng bày của tỉnh Sơn La, không khí lại mang hương vị của dâu tây, mắc ca, thịt trâu gác bếp, cà phê, chè… Từng món hàng được sắp xếp tỉ mỉ trên kệ. Tại đây, chị Cầm Hồng Hạnh, đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La vừa là người giới thiệu sản phẩm, vừa là người kết nối giữa những người nông dân ở cao nguyên Mộc Châu, Bắc Yên… với thị trường rộng lớn của cả nước.

“Chúng tôi không chỉ bán hàng, mà kể câu chuyện vùng đất”, chị Hạnh nhấn mạnh và bảo: “Mỗi quả mận, miếng mít sấy đều đi kèm hành trình sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác chuyên nghiệp. Điều đó giúp nông sản vùng cao Sơn La được tin tưởng, nhất là với du khách quốc tế, những người rất quan tâm đến tiêu chuẩn và chất lượng”.

Theo chị Hạnh, VITM Hà Nội 2025 là cơ hội kết nối doanh nghiệp Sơn La với nhà phân phối lớn tại Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Xa hơn, đó là bước đi vững chắc để Sơn La xây dựng hình ảnh điểm đến xanh, gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Gian hàng của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La. Ảnh: Hồng Hạnh

Giữa hội chợ rộn ràng, mùi cà phê rang khói thoảng qua, cuốn bước chân du khách đến với gian hàng của Đắk Lắk. Nơi đây, dòng cà phê Ê Đê, đặc sản của núi rừng Tây Nguyên được các phụ nữ bản địa giới thiệu bằng một thứ tiếng Kinh nhẹ nhàng nhưng đầy niềm tự hào. Cà phê ở đây không chỉ rang máy công nghiệp, mà còn có loại cà phê khói, tức rang thủ công bằng củi, như cách ông bà họ vẫn làm.

“Chúng tôi muốn giữ nguyên hương vị nguyên bản nhất của núi rừng”, một nữ nghệ nhân Ê Đê chia sẻ và cho biết: “Du khách có thể cảm nhận rõ mùi thơm của cà phê cháy khói không thể trộn lẫn. Đó là linh hồn Tây Nguyên, là hơi thở của rẫy cà phê khi trời chớm lạnh”.

Từ cà phê hoà tan vị trái cây, cà phê pha máy đến cà phê bột pha phin, mỗi dòng sản phẩm đều cho thấy sự đa dạng trong cách phát triển nông sản gắn với bản sắc dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu hiện đại.

Cuộc gặp gỡ của bản sắc, du lịch và thị trường

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, các sản phẩm thủ công, nông sản đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là sản phẩm tiêu dùng, mà là “cầu nối cảm xúc” giúp du khách hiểu sâu hơn về vùng đất, con người và văn hóa.

“Chúng ta không nên nhìn những tấm thổ cẩm hay gói trà cổ thụ chỉ như món quà lưu niệm, mà hãy nhìn đó như một phần hồn cốt của dân tộc. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện, và du khách ngày nay tìm kiếm những trải nghiệm chân thực như thế”, ông Quỳnh chia sẻ.

Không gian quảng bá du lịch, sản phẩm OCOP, đặc sản các địa phương thu hút người dân và du khách. Ảnh: Hồng Hạnh

Ông cũng cho rằng, việc các địa phương đưa hàng hoá vùng cao đến hội chợ du lịch là cách rất thông minh để vừa xúc tiến du lịch, vừa quảng bá sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị nông sản. Nhưng để bền vững, cần một hệ sinh thái chặt chẽ hơn, nơi có sự tham gia từ chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025 không chỉ là nơi giới thiệu các điểm đến hấp dẫn, mà còn là dịp để hàng hóa vùng cao “chạm” vào thị trường lớn cả về giá trị kinh tế và sự lan tỏa bản sắc. Từ đôi tay khéo léo của người phụ nữ Dao Tiền đến vị ngọt của trái cây Sơn La, hay hương khói của cà phê Đắk Lắk của đồng bào Ê Đê, tất cả đều chung một khát vọng: được lắng nghe, được trân trọng và được bước ra khỏi núi rừng để đến gần hơn với thế giới.

Trong dòng chảy phát triển xanh, hội nhập sâu rộng và nhu cầu du lịch trải nghiệm ngày càng tăng, những sản phẩm mang hồn cốt văn hóa dân tộc sẽ là điểm tựa để du lịch Việt Nam khác biệt và vững bền.

Với chủ đề “Phát triển điểm đến xanh, nâng tầm Du lịch Việt Nam”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2025 diễn ra từ ngày 10-13/4 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô). Sự kiện quy tụ hơn 450 gian hàng, gần 600 doanh nghiệp, 60 cơ quan xúc tiến du lịch, 8 hãng hàng không cùng đại diện đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Sức nóng" du lịch tỉnh Bình Thuận lan tỏa tại VITM Hà Nội 2025
Nằm ở ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận giữ vị trí chiến lược là cửa ngõ giao thương kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư