Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Sản xuất công nghiệp phục hồi kéo kinh tế Việt Nam khởi sắc trong quý III
Nhung Bùi - 18/10/2023 07:43
 
Trong tháng 9/2023, xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng dương lần đầu tiên sau 10 tháng liên tiếp suy giảm.

Đây là thông tin được World Bank công bố trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2023.

Theo World Bank trong quý III/2023, tăng trưởng GDP đã khởi sắc nhờ khu vực công nghiệp phục hồi. Kể từ tháng 5/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng dương qua từng tháng, và đạt mức tăng 3,5% trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đến từ sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất trong nước và định hướng tập trung vào xuất khẩu, như lĩnh vực chế biến thực phẩm (tăng 9% so với cùng kỳ), dệt may (tăng 14,4%, so cùng kỳ), sản phẩm đồ nội thất (tăng 17,8%, so cùng kỳ), kim loại (thép và nhôm) (tăng 16,9%, so với cùng kỳ),...

“Tuy nhiên, Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) đã quay trở lại vùng suy giảm (49,7) vào tháng 9 sau đợt phục hồi ngắn trong tháng 8 lên trên mốc 50 (50,5), cho thấy sự bất định vẫn tiếp diễn trên con đường phục hồi”, World Bank đánh giá.

Sự phục hồi của sản xuất công nghiệp được phản ánh qua sự cải thiện trong hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng tương ứng 5,3% và 2,6% trong tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm trước, sau 10 tháng liên tiếp suy giảm. Cán cân thương mại hàng hóa tổng thể đạt thặng dư 2,3 tỷ USD vào tháng 9 năm 2023 và 21,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. “Điều này phản ánh sự cải thiện về nhu cầu bên ngoài, cho thấy sự suy giảm trong thương mại hàng hóa đã chạm đáy”, World Bank nhận định.

Sự cải thiện được thể hiện rõ ở xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như gạo (tăng 156% so với cùng kỳ), dệt may (tăng 121,7% so với cùng kỳ), điện tử và máy tính (tăng 110,7% so với cùng kỳ). Theo khảo sát của S&P Global tại Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng trong cả tháng 8 và tháng 9, đặc biệt là từ các thị trường châu Á.

Bên cạnh đó, nhập khẩu đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, báo hiệu các doanh nghiệp đang mong đợi mở rộng sản xuất hơn nữa. Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2023, tốc độ tăng trưởng hàng tháng của xuất khẩu được cải thiện từ -16,2% (so cùng kỳ) lên +5,3 % (so cùng kỳ), trong khi tốc độ tăng trưởng đối với nhập khẩu được cải thiện từ -23,1 % lên +2,6%.

Nguồn: World Bank.

Cũng theo báo cáo của World Bank, cả cam kết FDI và giải ngân vẫn ở mức cao, tương ứng đạt 20,2 tỷ USD và 15,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023. Con số này tăng tương ứng 31% và 3% so với cùng kỳ năm 2022. “Các cam kết FDI mới phản ánh niềm tin tiếp tục của nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến tiềm năng của Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu”, World Bank nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong khi tăng trưởng kinh tế khởi sắc vào quý III/2023 nhờ xuất khẩu dần phục hồi, tiêu dùng trong nước vẫn yếu và tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng trưởng chậm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng giảm tốc từ 9,4% (so cùng kỳ) vào tháng 8/2023 xuống còn 8,7% (so cùng kỳ) trong tháng 9, phản ánh tình trạng đầu tư tư nhân (bao gồm cả lĩnh vực bất động sản) tiếp tục chậm lại.

Ngoài ra, ngân sách bị thâm hụt trong 9 tháng đầu năm 2023. Thu ngân sách giảm 7,8% (so với cùng kỳ) trong khi việc thực hiện ngân sách tăng 14,1%, dẫn đến mức thâm hụt nhỏ là 0,7 tỷ USD (0,3% GDP). Giải ngân đầu tư công trong giai đoạn này tăng 45,3% (so cùng kỳ) nhưng vẫn chỉ đạt 48% kế hoạch vốn ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt cho năm 2023.

World Bank đánh giá những nỗ lực tiếp tục thực hiện đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn, Việt Nam cần một danh mục đầu tư chiến lược và được chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm 2024.

“Kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo với trọng tâm là cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng chống chịu và hạ tầng liên vùng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn”, World Ban cho biết. “Cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực (đặc biệt là kỹ năng công nghệ cao) sẽ giúp Việt Nam thu hút FDI công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất trong dài hạn”.

Chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024
Những phác thảo ban đầu về kinh tế - xã hội năm 2024 đã được hé lộ. Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đặt mục tiêu như...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư