Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 07 năm 2024,
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì đà tăng trưởng tích cực
Hà Nguyễn - 29/07/2024 11:09
 
Tháng 7/2024, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Bảy tháng, mức tăng là 8,5%, trong khu cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%.

Xu hướng phục hồi của nền kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Một trong những bằng chứng là sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2024 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Bảy, nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn có tốc độ tăng Chỉ số sản xuất toàn ngành khá cao so với tháng trước. Ví dụ, Bắc Giang tăng 8,7%; Vĩnh Phúc tăng 6,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5,6%; Cần Thơ tăng 4,8%; Thanh Hóa tăng 4,6%; Bình Dương tăng 4,1%; Đà Nẵng tăng 3,7%, TP.HCM tăng 3,2%...

Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao, nhất là so với mức giảm 0,8% của cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%, đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.

Trong đó, đáng chú ý, có một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao. Chẳng hạn, Lai Châu tăng 43,1%; Phú Thọ tăng 38,4%; Bắc Giang tăng 27,5%; Bình Phước tăng 17,1%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Điện Biên tăng 8,8%...

Cùng với đó, một số địa phương cũng chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Trong đó, Khánh Hòa tăng tới 258,5%; Lai Châu tăng 66,4%; Cao Bằng tăng 62,1%; Điện Biên tăng 51,8%; Sơn La tăng 35,2%; Thanh Hóa tăng 33,0%; Phú Thọ tăng 15,3%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Trong số các địa phương này, đáng chú ý, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2024 của Hà Tĩnh giảm tới 8%. Quảng Ngãi cũng tiếp tục giảm 4,2%.

Xu hướng phục hồi trong sản xuất công nghiệp ngày càng trở nên rõ nét hơn. Trong báo cáo gần đây về kinh tế Việt Nam với chủ đề “Lấy lại hào quang”, Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam đã khép lại quý II/2024 bằng một bất ngờ lớn khi tăng trưởng GDP vượt xa kỳ vọng của thị trường là 6%.

“Lâu rồi nền kinh tế Việt Nam chưa có cú hích mạnh mẽ nào và thời khắc được mong đợi đó cuối cùng cũng đã tới. Thậm chí, kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong quý II vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%. Cộng thêm điều chỉnh tăng nhẹ về tăng trưởng của quý 1/2024, kết quả này đưa tăng trưởng của sáu tháng đầu năm lên 6,4% so với cùng kỳ”, báo cáo của HSBC cho biết như vậy.

Không chỉ có kết quả tăng trưởng đầy thuyết phục, theo các chuyên gia của HSBC, điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng ở các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước. 

Sản xuất phục hồi, nên theo Tổng cục Thống kê, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/7/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8% sau 5 tháng năm 2024
Tính chung 5 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư