Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Sản xuất khẩu trang có chịu phận gia công sản phẩm?
Hồng phúc - 04/06/2020 14:35
 
Sản xuất khẩu trang là giải pháp của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may thời Covid-19, nhưng vì không chuẩn bị các chứng chỉ chất lượng, nên dù có sản phẩm, doanh nghiệp vẫn không thể xuất khẩu.
Khẩu trang của Việt Nam vẫn khó xuất khẩu vì thiếu chứng chỉ CE, FDA. Ảnh: Đức Thanh
Khẩu trang của Việt Nam vẫn khó xuất khẩu vì thiếu chứng chỉ CE, FDA. Ảnh: Đức Thanh

Vướng chứng chỉ CE, FDA

“Những nước có máy sản xuất thì không có vải, quốc gia có vải thì không có người may, còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam có đủ cả hai yếu tố trên, nhưng khẩu trang không đạt yêu cầu dán nhãn CE hay FDA, nên vẫn loay hoay, khó xuất khẩu”, ông Trần Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Đông Bích cho biết.

Không riêng khẩu trang y tế, sản phẩm khẩu trang vải muốn nhập khẩu vào châu Âu phải đạt CE của châu Âu hay FDA của Hoa Kỳ.

Ông Hưng cho rằng, đây là trở ngại lớn nhất, khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận trở thành đơn vị gia công cho các công ty thương mại ở Hồng Kông hay Singapore. Như vậy, sau hàng dệt may, da giày, có thể mặt hàng khẩu trang tiếp tục chịu phận gia công.

“Đơn hàng khẩu trang vẫn đổ về Việt Nam, nhưng nếu nhìn về chuỗi giá trị thì sản phẩm của doanh nghiệp Việt không được ở mức giá cao”, ông Hưng nói và cho biết, quan sát trong 3 tháng qua, đã có vài chục nhà máy chỉ chuyên sản xuất khẩu trang do nhà sản xuất “tay ngang” thành lập.

Thực tế, các doanh nghiệp dệt may lớn không đầu tư thêm máy móc chuyên dụng cho mặt hàng này. Còn công ty nhỏ khó vay ngân hàng, vốn mỏng và không đặt cược cho sản phẩm thời vụ nên chỉ sản xuất cầm chừng, duy trì việc làm cho lao động hiện có.

May khẩu trang vải không khó bằng đáp ứng quy định và thủ tục của phía nhập khẩu. Công ty TNHH Dệt may Trung Quy chỉ sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và đã xuất 20 triệu sản phẩm đến Hoa Kỳ, châu Âu thông qua 9 đối tác từ đầu mùa dịch đến nay.

Ông Trần Văn Quy, Giám đốc Công ty Trung Quy thở phào khi nhắc đến các chứng nhận chất lượng sản phẩm khẩu trang xuất khẩu của Công ty, bởi lâu nay, họ đã nằm trong chuỗi giá trị của Nike, Adidas khi cung cấp nguyên phụ liệu.

“Chúng tôi đầu tư máy móc từ hồi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được đưa ra thảo luận. Tiền thân từ cơ sở dệt, Trung Quy không chỉ chủ động được nguồn vải, mà còn cung cấp cho nhiều doanh nghiệp khác trong ngành”, ông Quy cho biết.

Nhưng không có nhiều doanh nghiệp tự tin về chứng chỉ chất lượng như Trung Quy hay Đông Bích, nên chấp nhận thông qua “cò” để rút ngắn thời gian giao hàng. Bởi, thời gian chờ cấp giấy chứng nhận (nếu đạt tiêu chuẩn) kéo dài từ 2-6 tháng (CE từ 3-6 tháng, FDA cần khoảng 2 tháng).

“Thị trường giờ có nhiều môi giới lừa đảo. Họ nói sẽ có chứng nhận chỉ trong 1 tuần với chi phí từ 1-2 tỷ đồng. Đã có doanh nghiệp chuyển tiền sang, nhưng không được, rồi không dám xuất nữa. Đó là lý do gần đây, Bộ Công thương đã lên tiếng về việc doanh nghiệp không xuất khẩu trang được do không có chứng nhận chất lượng”, đại diện một doanh nghiệp trong ngành may tại TP.HCM cho biết, khi hiện chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp đạt CE, FDA cho khẩu trang xuất khẩu.

Hàng thời vụ cũng cần “nhạc trưởng”

“Chúng tôi phải liên kết với các nhà máy may gia công đang không có việc làm, thuê hơn 5.000 công nhân để sản xuất khẩu trang”, ông Trần Văn Quy nói về việc hợp tác, chia sẻ đơn hàng với công ty trong ngành.

Doanh nghiệp quy mô nhỏ như Đông Bích hay Trung Quy có thể linh hoạt chuyển sản xuất hàng may mặc sang khẩu trang. Trong khi máy móc các công ty lớn chuyên dành may sơ mi, quần tây, áo vest lại khó trong chuyển đổi công năng.

Dùng máy may áo vest để sản xuất khẩu trang còn được ví như “dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”. Quy mô nhà máy càng lớn lại càng khó chuyển đổi.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ luôn chạy công suất tối đa, nhưng công suất nhỏ nên không thể ký được các đơn hàng lớn.

Ông Trần Hưng cho biết, Chính phủ các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ đưa ra nhu cầu đơn hàng vài trăm triệu chiếc khẩu trang, nhưng doanh nghiệp nhỏ không thể nhảy vào làm do không đủ năng lực. Còn doanh nghiệp lớn lại không làm vì phát sinh một số vấn đề “không tiện nói ra”.

“Nhu cầu trên thế giới về khẩu trang, đồ bảo hộ rất lớn, nhưng Việt Nam không có “nhạc trưởng” chung để nhận về và phối hợp các doanh nghiệp trong ngành cùng làm”, ông Hưng nói và dự đoán, ít nhất trong 12 tháng tới, phía cầu các sản phẩm này vẫn duy trì, cho đến khi có vắc-xin hay Covid-19 kết thúc. Nhưng doanh nghiệp nào có thể chuyển đổi kịp, đạt các chứng nhận, tìm được khách hàng tin cậy mới có thể tiếp tục sản xuất.

“Chỉ may gia công thì không ăn thua”, Giám đốc may Đông Bích đánh giá và đưa ví dụ về đơn hàng trị giá 160 triệu USD với 80 triệu bộ áo khoác phòng dịch từ phía đối tác Brazil.

Đặc thù sản phẩm này yêu cầu thời hạn giao hàng nhanh trong 1-2 tháng và sẵn sàng có máy bay đợi sẵn ở sân bay Tân Sơn Nhất cho vận chuyển. Do đó, Đông Bích phải liên kết với 5 doanh nghiệp cung cấp vải, 10 công ty chuyên may để đáp ứng đơn hàng trên.

“Dù chỉ là sản phẩm thời vụ, nhưng thách thức chung, doanh nghiệp phải chứng minh với thế giới là mình làm được và uy tín. Dự liệu không làm được thì không nên nhận rồi hủy đơn thì sau này không ai làm với mình hết”, ông Trần Hưng chia sẻ.

Nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang, doanh thu của TNG chỉ giảm 4% so với cùng kỳ
Hiện 400.000 sản phẩm của TNG trị giá 2,1 triệu USD đã sản xuất xong nhưng tạm dãn thời gian giao hàng theo thỏa thuận với khách hàng. Doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư