Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sản xuất nông nghiệp: Chất lượng hơn số lượng
Phú Khởi - 11/08/2016 21:58
 
Phát biểu tại hội thảo quốc gia về Khoa học cây trồng tại TP.Cần Thơ vào sáng ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết năm nay là một năm khá đặc biệt của ngành nông nghiệp khi sản xuất giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
TIN LIÊN QUAN

Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7/2016 ước đạt 2,64 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2016 đạt 17,8 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu 13,31 tỷ USD, xuất siêu lĩnh vực này đạt gần 4,5 tỷ USD.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,56 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Cà phê, tiêu, điều, thủy sản, rau quả tiếp tục là các mặt hàng có sự gia tăng cả về khối lượng và giá trị. Trong đó xuất khẩu mặt hàng cà phê 7 tháng đầu năm 2016 đạt 1,13 triệu tấn và 1,98 tỷ USD, tăng 38% về khối lượng và tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam chiếm gần 30%.  Giá trị xuất khẩu cà phê tăng ở hầu hết các thị trường chính chỉ trừ thị trường Tây Ban Nha có giá trị giảm 10,3%, Việt Nam giữ vững vị trí quán quân trong xuất khẩu cà phê.

Đối với mặt hàng tiêu, khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2016 đạt 122.000 tấn và 988 triệu USD, tăng 26,1% về khối lượng và tăng 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Hoa Kỳ (19,2%), Đức (15,8%), Pakixtan (gấp 2,67 lần) và Philippines (gấp 3,4 lần). Dự báo xuất khẩu cả năm có thể đạt 160.000-170.000 tấn với kim ngạch xấp xỉ 2 tỷ USD.

Sản lượng hạt điều xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 189 nghìn tấn kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 2,5% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7.694 USD/tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 60% thị phần.

Theo Thứ trưởng Doanh mặt hàng được xem là tăng trưởng nóng và còn nhiều dư địa để phát triển hiện nay là rau quả. Nếu như năm 2013 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ 900 triệu USD thì năm 2014 tăng lên 1,47 tỷ USD, năm 2015 đạt 1,87 tỷ USD. Trong năm nay chỉ tính  đến giữa tháng 7 kim ngạch đã đạt 1,37 tỷ USD, dự báo cả năm có thể đạt trên 2,5 tỷ USD, không thua gì mặt hàng lúa gạo.

Mặt hàng thủy sản xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2016 đạt 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Riêng đối với mặt hàng gạo, tuy xuất khẩu trong tháng 7 có sụt giảm nhưng lượng gạo xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2016  vẫn đạt gần 3 triệu tấn kim ngạch đạt 1,32 tỷ USD.

Phát biểu tham luận tại hội thảo các đại biểu đã đánh giá cao sự nỗ lực của ngành nông nghiệp để giữ vững tăng trưởng trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và diễn biến cạnh tranh gay gắt của thị trường khi hội nhập toàn cầu đã đặt ra “ đầu bài” khá hóc búa cho sự phát triển nền nông nghiệp trong thời gian tới. PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: lúa là cây lương thực quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, xét thuần túy về kinh tế chỉ đóng góp 5,46% GDP, người trồng lúa Việt Nam chỉ đạt 419USD/ha trong khi nông dân Thái Lan đạt gấp 3 lần như thế. Theo kịch bản BĐKH chỉ cần nước biển dâng 100cm thì nhiều diện tích trồng lúa bị ngập lụt không thể trồng lúa, sản lượng giảm 30-35%. Theo điều tra của Viện lúa Quốc tế: chi phí phân bón của Việt Nam cao hơn gấp 1,21 lần so với Thái Lan, gấp 1,63 lần so với Indonesia, gấp 1,68 lần so với Trung Quốc và gấp 2,73 lần so với Ấn Độ. Chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật trên 1ha lúa của Việt Nam cũng được cho là cao hơn các quốc gia nêu trên. Làm ra sản phẩm với chi phí cao hơn, tốn nhiều tài nguyên hơn nhưng bán giá thấp hơn, dẫn đến lợi nhuận cho các thành phần tham gia chuỗi sản xuất thấp, đây là nhược điểm lớn nhất mà ngành sản xuất lúa gạo cần phải khắc phục.

Thứ trưởng Doanh cũng đồng ý với quan điểm trên và thẳng thắn nhìn nhận chính sách phát triển nông nghiệp trong thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định. Điển hình như vấn đề xây dựng thương hiệu quốc tế cho các sản phẩm chủ lực: gạo, thủy sản, trái cây, cà phê…Việc đầu tư hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất cũng chưa kịp thời, chẵn hạn như cây hồ tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đạt 2 tỷ USD/năm nhưng từ trước đến nay chưa được đầu tư gì cả, ngay cả khâu nhân  giống nông dân cũng tự làm. Hay như rau quả, hiện nay kim ngạch đã vượt qua mặt lúa gạo nhưng giống cây chưa đáp ứng và chưa có những giống chiến lược mang bản sắc riêng, toàn bộ giống rau phải nhập khẩu. Mặt khác công tác nghiên cứu khoa học trong lai tạo giống cũng chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình như vấn nạn bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã làm thiệt hại hầu hết nhà vườn tại ĐBSCL, trong khi chúng ta lúng túng khắc phục thì Thái Lan đã lai tạo thành công cây giống kháng loại bệnh này.

Theo Thứ trưởng Doanh để nông nghiệp là trụ cột trong tái cơ cấu nền kinh tế thì ngành cần phải “ lột xác” toàn diện. Bên cạnh việc khắc phục những hạn chế nêu trên, thì cần phải tổ chức lại sản xuất, chú trọng lĩnh vực canh tác học để cắt giảm tối đa chi phí, bảo vệ môi trường; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến bảo quản và đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; hướng người sản xuất thay đổi tư duy không chạy theo số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị để tạo ra thu nhập cao và bền vững hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư