Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Sản xuất xe đạp điện vào… cuộc đua
Vũ Anh - 23/11/2017 06:10
 
Các nhà sản xuất xe đạp điện đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt khi tung ra nhiều dòng xe mới, áp dụng công nghệ thông minh với giá cả cạnh tranh.

Phô diễn mọi thế mạnh

Các thương hiệu xe đạp điện trên thị trường đã có một tuần lễ ở Hà Nội để phô diễn mọi thế mạnh tại Triển lãm Quốc tế xe hai bánh Việt Nam 2017.

Bên cạnh các sản phẩm mang hơi hướng hiện đại, trẻ trung và sáng tạo của các hãng Laux, Trinx, Sava, MantisBike hay những thương hiệu xe đình đám trên thế giới như Giant, Gitane, Dahon, Bianchi, Peugeot, Definitive, Puch, Look, Merida, Galaxy… thì sự ra mắt sản phẩm của hai ông lớn trong ngành xe chạy điện là Takuda và Yadea cùng với một loạt chương trình khuyến mãi, tặng quà của các hãng được xem như cuộc chạy đua không khoan nhượng giữa các doanh nghiệp để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, cũng như các đối tác trong và ngoài nước.

Nhiều dòng xe đạp điện mới đã được phô diễn tại Triển lãm Quốc tế về xe hai bánh Việt Nam 2017.
Nhiều dòng xe đạp điện mới đã được phô diễn tại Triển lãm Quốc tế về xe hai bánh Việt Nam 2017.

Đầu tiên phải kể đến dòng sản phẩm xe đạp điện mang tên C-Umi thuộc Tập đoàn công nghệ Yadea đến từ Trung Quốc. Hiện các sản phẩm của Yadea đã có mặt tại Việt Nam, Mỹ, Đức và 66 quốc gia khác trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, Yadea đã có mặt 8 năm và năm nay họ tung ra dòng sản phẩm xe điện mới là C-Umi. Những mẫu xe C-Umi được thiết kế ấn tượng, đơn giản, nhẹ nhàng và thời trang. Đặc biệt, C-Umi cũng có kích thước phù hợp cơ thể, có thể dễ dàng cho vào thang máy, phù hợp với người dân sống ở chung cư cao tầng.

Theo ông Liu Yeming, Chủ tịch HĐQT Yadea, dòng xe mới này có tính năng mở khóa từ xa, chống trộm, nạp điện bằng USB, rất lý tưởng cho các bạn trẻ ở đô thị. Đặc biệt, màn hình gắn trên xe có thể hiển thị nhiều thông tin. Tương lai, nhà sản xuất có thể tích hợp sử dụng Internet, làm cho chiếc xe thông minh hơn. “Hiện ở Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ này. Hy vọng, trong thời gian tới, người tiêu dùng Việt Nam và Đông Nam Á sẽ được sử dụng công nghệ mới này”, ông Liu Yeming cho biết.

Trong khi đó, dù mới khởi nghiệp được 4 năm, nhưng thương hiệu xe đạp điện Takuda thuộc Công ty cổ phần Takuda Việt Nhật đã có vị trí nhất định trên thị trường xe đạp điện nhờ liên tục cập nhật công nghệ mới, giá cả phù hợp với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam.

Takuda không kém cạnh các đối thủ đến từ Trung Quốc, khi phô diễn thế mạnh tại Triển lãm. Takuda cũng cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mới, áp dụng công nghệ điều khiển độc quyền của Bosch. Công nghệ đó có bộ sạc giúp tiết kiệm ắc quy, giúp xe đi được đường dài, chạy êm hơn. Mức giá trung bình của các dòng sản phẩm này từ 10 đến 15 triệu đồng/sản phẩm. Hiện các sản phẩm được phân phối ở Việt Nam và Lào, Campuchia. Tuy nhiên, trong tổng doanh thu 15 triệu USD mỗi năm của Takuda, tỷ lệ xuất khẩu chỉ chiếm 10%.

Thị trường màu mỡ

Theo khảo sát của Hiệp hội Ô tô - Xe máy - Xe đạp Việt Nam (Vamoba), 9 tháng đầu năm 2017, tổng lượng xe máy đạp điện được bán ra ở Việt Nam đạt gần 400.000 xe, tăng 30% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, trong tương lai, xe đạp điện sẽ được người dân chuộng hơn xe máy chạy xăng. 

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thống Nhất, đồng thời là Phó chủ tịch Vamoba cho rằng, thị trường xe đạp điện Việt Nam đang phát triển chóng mặt với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu xe đạp nổi tiếng trên thế giới.

Cũng theo ông Sơn, Việt Nam có số lượng xe máy sử dụng nhiều, khiến tình trạng giao thông tắc nghẽn và ô nhiễm không khí trầm trọng. Trong khi đó, thế giới đang kêu gọi ứng dụng năng lượng mới để bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý và người dân vô cùng quan tâm. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hạn chế sản xuất xe máy và vận động người dân sử dụng xe đạp điện.

Do đó, trong tương lai, xu hướng sử dụng xe điện trong giao thông là điều hiển nhiên. Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng lớn để các ông lớn trong ngành sản xuất xe đạp điện khai thác, bên cạnh thị trường còn sử dụng nhiều xe máy như các nước thuộc khu vực ASEAN.

Nắm bắt điều này, Yadea sẽ tập trung phát triển dòng xe điện 2 bánh cao cấp, thân thiện môi trường. Ông Liu Yeming tiết lộ, Yadea sẽ mở nhà máy sản xuất, lắp ráp với công nghệ tiên tiến, kỹ thuật mới, thiết kế thời thượng để người tiêu dùng Việt Nam cảm nhận trực tiếp. Yadea sẽ liên kết với doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển thị trường xe điện tiềm năng này.

Trong khi đó, để cạnh tranh với các thương hiệu mạnh của Trung Quốc, ông Tạ Quốc Đạt, Tổng giám đốc Takuda sẽ lấy thị trường trong nước làm gốc. Takuda cố gắng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, giảm từ 90% linh kiện nhập từ Trung Quốc của những năm đầu xuống còn 60% hiện nay. Toàn bộ phần khung, nhựa, lốp, vành được sản xuất tại Việt Nam. Hiện Takuda có một nhà máy ở Từ Sơn (Bắc Ninh) với quy mô đầu tư 5 triệu USD, công suất có thể đạt 150.000 xe/năm.

Theo ông Đạt, Takuda quyết định đầu tư công nghệ động cơ và điều khiển của Tập đoàn Bosch. Tuy nhiên, đây chỉ là một yếu tố mang lợi thế cạnh tranh về chất lượng công nghệ, còn để chiếm lĩnh thị trường, thì phải mạnh về đồng bộ hóa một chiếc xe. “Chất lượng của chiếc xe phụ thuộc phần lớn vào một số bộ phận quan trọng và chúng tôi đã quyết định đầu tư và nhập toàn bộ các bộ phận này từ các hãng nổi tiếng để trang bị cho sản phẩm của mình”, ông Đạt cho biết.

Cảnh báo những tai nạn thương tâm do sử dụng xe đạp điện không đúng
Xe đạp điện trở thành phương tiện giao thông được nhiều người sử dụng, đặc biệt là người già, học sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư