Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Sau 20 năm bình thường hóa, Mỹ là đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam
GS-TSKH Nguyễn Mại - 31/05/2015 08:03
 
Với môi trường thuận lợi cùng tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước, Mỹ được kỳ vọng trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.

Kỳ 2: Mỹ - Đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam

Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) có một chương về quan hệ đầu tư với mục đích gia tăng mức độ tiếp cận thị trường, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và đăng ký đầu tư, tăng cường bảo hộ nhà đầu tư trước việc tước quyền sở hữu và quốc hữu hóa, cho phép sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với cơ quan Chính phủ.

Tập đoàn Intel (Mỹ) đang triển khai dự án có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam. Ảnh: S.T
Tập đoàn Intel (Mỹ) đang triển khai dự án có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam. Ảnh: S.T

 

Trước khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam vào ngày 3/2/1994, một số doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư tại nước ta thông qua nước thứ ba. Từ năm 1995 đến cuối năm 2014, tổng vốn đăng ký của Mỹ là 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; vốn thực hiện của Mỹ tại Việt Nam giai đoạn trước BTA (1996 - 2001) đạt bình quân 248 triệu USD/năm, sau BTA (2002 - 2006) là 479 triệu USD/năm, từ 2007 đến 2014 tăng không đáng kể. Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Mỹ được thực hiện từ nước thứ ba, nên con số thống kê ở trên chưa phán ảnh đầy đủ FDI của Mỹ tại Việt Nam.

Những năm gần đây, FDI của Mỹ tại Việt Nam đã có dấu hiệu tích cực. Tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Tập đoàn chế tạo vi mạch hàng đầu thế giới Intel đang triển khai dự án hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư, sử dụng khoảng 3.000 kỹ sư và công nhân có trình độ tay nghề cao, dự kiến cung ứng 80% chip cho toàn cầu.

Thời báo Seattle (Seattle Times) ngày 27/2/2015 dẫn nguồn tin từ Người phát ngôn Tập đoàn Microsoft, tháng 3/2015, tập đoàn này đóng cửa hai nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Kinh và Quảng Đông (Trung Quốc). Sau khi mua lại Nokia, Tập đoàn này đã chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất smartphone cho thị trường thế giới, nên dự tính tăng nhanh vốn đầu tư từ 150 triệu USD lên 1,5 tỷ USD.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Citigroup, American Group, Chevron, Ford, Starwood Hotel, AIA, Dickerson Knight Group, Coca Cola, Pepsi Cola, KFC, Coffee Bean… đã có chỗ đứng vững vàng tại Việt Nam.

75% FDI của Mỹ tại nước ta là dự án 100% vốn nước ngoài, trong khi hình thức liên doanh chiếm 24%, còn lại là các hình thức khác. Các nhà đầu tư của Mỹ đã có mặt ở 42/63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở TP.HCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Cà Mau.

Nếu như quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển nhanh, nhất là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ, thì FDI của Mỹ tại Việt Nam còn khá khiêm tốn so với Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Tuy vậy, tại Hội thảo “Triển vọng quan hệ song phương Việt - Mỹ” tổ chức tại Hà Nội ngày 9/1/2015, các chuyên gia Mỹ và Việt Nam đều tin rằng, doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam thời gian tới. GS. Fredric Brown (Đại học John Hopkin) tin rằng, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Ted Osius nhận định: “Sau cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi thấy Thủ tướng cũng rất kỳ vọng về quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi không bao giờ hài lòng về việc chỉ là nhà đầu tư lớn thứ hai hay thứ ba ở Việt Nam. Tôi muốn quan hệ giữa hai nước ngày càng sâu sắc hơn trên mọi mặt”.

Những nhận định đó có cơ sở khách quan. Theo kết quả cuộc thăm dò của Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham), trong số 477 công ty Mỹ được hỏi, có tới 47% cảm thấy được Việt Nam chào đón nhiệt tình hơn so với Trung Quốc. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Uni Group, số người nước ngoài rời khỏi Trung Quốc năm 2014 gấp đôi số người chuyển đến, mà Việt Nam là một trong những quốc gia được lựa chọn hàng đầu để tiếp nhận FDI chuyển khỏi Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành cứ điểm của thế giới về sản xuất một số mặt hàng điện tử, smartphone, máy tính bảng và được kỳ vọng thu hút nhiều hơn FDI của các công ty xuyên quốc gia (TNC) trong tốp 500 TNC đứng đầu thế giới.

Các TNC đang quan tâm đến chính sách nâng cấp, lấy chất lượng làm tiêu chí chủ yếu trong việc thu hút FDI để thích ứng với tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, đòi hỏi FDI chuyển dịch từ ngành và lĩnh vực thu hút nhiều lao động sang công nghệ điện tử, tin học, hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, khuyến khích thiết lập và mở rộng quan hệ giữa các TNC quốc tế với doanh nghiệp trong nước.

Nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực cải cách thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động đầu tư và kinh doanh, được thể hiện trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và nhiều luật kinh tế đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, đồng thời tiếp tục thực hiện giảm thiểu thủ tục hành chính theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn hiện đại của khu vực và thế giới, giảm thiểu thời gian và chi phí cơ hội cho doanh nghiệp.

Vấn đề có tính quyết định hiện nay là thực thi thể chế gắn với việc cấu trúc lại bộ máy nhà nước để có hiệu năng cao hơn; tinh giản biên chế và hình thành đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có năng lực nghề nghiệp cao và phẩm chất tốt để hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp; khắc phục tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà, đẻ ra nhiều quy định phi lý, bất hợp pháp, tham nhũng đang còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, cơ quan nhà nước.

Trong 20 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ từ thù địch chuyển sang hợp tác, cùng có lợi. Mặc dù hiện vẫn còn một số vấn đề lịch sử như chất độc da cam do Mỹ gây ra tại Việt Nam, sự khác nhau về cách tiếp cận giữa hai phía đối với dân chủ, nhân quyền, nhưng lãnh đạo cấp cao hai nước đã quyết định thiết lập “Quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ” nhân chuyến thăm Mỹ tháng 7/2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là định hướng cho quan hệ giữa hai nước.

Việc nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua đàm phán và ký kết nhiều FTA, trong đó có TPP và hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 sẽ thúc đẩy nhanh hơn quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, Ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, có bài viết riêng cho Báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư