Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Sau 20 năm bình thường hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam
GS-TSKH Nguyễn Mại - 28/05/2015 09:26
 
Sau bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1995), đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) được ký kết (năm 2000), trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng rất ngoạn mục và hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

I-

Gần một năm sau ngày hai nước bình thường hóa quan hệ, tháng 5/1996, Mỹ đã chủ động gửi cho Việt Nam Dự thảo Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA). Sau hơn 4 năm đàm phán và thông qua các thủ tục pháp lý, ngày 13/7/2000 tại Washington (Mỹ), BTA đã được ký kết và có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2001.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng ngoạn mục trong 2 thập kỷ qua. Ảnh: Đ.T
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng ngoạn mục trong 2 thập kỷ qua

 

BTA Việt - Mỹ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn nhiều so với các hiệp định thương mại mà nước ta đã ký với một số nước, quy định chi tiết cam kết mở cửa thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến đầu tư và thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của công dân và pháp nhân hai nước.

Sau khi BTA có hiệu lực, Mỹ đã áp dụng Quy chế Quan hệ thương mại bình thường và Quy chế Tối huệ quốc (MFN), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tháng 12/2006, Tổng thống G.W.Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).

Trên cơ sở BTA, Việt Nam đã ký với Mỹ nhiều hiệp định và thỏa thuận về ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, Hiệp định Khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA), hiện đang cùng với một số nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù đã có BTA, nhưng Mỹ vẫn yêu cầu nước ta đàm phán về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), gây sức ép với nước ta để đạt được những gì chưa có trong BTA, buộc Việt Nam phải chấp nhận phương án “BTA+”. Ngày 31/5/2006, tại TP.HCM, Việt Nam và Mỹ đã ký Thỏa thuận song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Thỏa thuận này là sự bổ sung cho BTA Việt - Mỹ. Đây là bước đi có tính quyết định để ngày 11/1/2007, nước ta là thành viên thứ 150 của WTO.

Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết đối với BTA cũng như đối với các hiệp định đa phương và song phương khác về việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, cải cách nền hành chính quốc gia, thủ tục hành chính để phù hợp với các thể chế và thông lệ quốc tế, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ theo đúng lộ trình đã cam kết, chủ động đẩy nhanh tiến độ giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu và dỡ bỏ hàng rào phi quan thuế, hài hòa hóa thủ tục hải quan.

-II-

Việc thực hiện BTA Việt - Mỹ đã gia tăng nhanh chóng thương mại hàng hóa giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 2,89 tỷ USD năm 2002 lên 35 tỷ USD năm 2014, tăng gấp 12,1 lần. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tăng từ 2,45 tỷ USD năm 2002 lên 29,4 tỷ USD năm 2014, tăng gấp 12 lần.

Năm 2014, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta và tăng 19,6% so với năm 2013, trong khi xuất khẩu vào EU là 27,9 tỷ USD (tăng 14,7%), vào ASEAN là 19 tỷ USD (tăng 3,1%), vào Trung Quốc là 14,8 tỷ USD (tăng 11,8%), vào Nhật Bản là 14,7 tỷ USD (tăng 8%) và vào Hàn Quốc là 7,8 tỷ USD (tăng 18,1%).

Trong số các nước ASEAN, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã vươn từ vị trí thứ 6 năm 2000 lên vị trí dẫn đầu năm 2014, chiếm 22%, trong khi tỷ trọng của Malaysia là 21,5%, của Thái Lan là 19,8%, Indonesia là 14,7%, Singapore là 12,5% và các nước khác là 9,5%.

Việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường khó tính này là do nước ta đã có sự điều chỉnh theo hướng đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu, cho thấy năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt.

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng (năm 2014 là 23,8 tỷ USD), đóng góp quan trọng vào xuất siêu khoảng 2 tỷ USD trong năm qua.

Cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ đã được cải thiện rõ rệt, với hàng chế tác đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong khi tỷ trọng hàng sơ chế và tài nguyên ngày càng giảm.

Năm 2001, khi chưa có BTA, 78% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là hàng sơ chế, chủ yếu là tôm và các sản phẩm dầu khí. Hai năm sau BTA, năm 2003, các mặt hàng chế tác đã chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu và hiện nay là 74 - 75%. Sự gia tăng trong hai năm 2002 - 2003 của hàng chế tác chủ yếu tập trung vào hàng may mặc; những năm sau đó, hàng điện tử, giày da, đồ gỗ đã tăng trưởng nhanh và chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu hàng chế tác. Năm 2014, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tăng 45%, giày dép tăng 26,1%, hàng may mặc tăng 13,9%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,8% so với năm 2013.

Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Việt Nam năm 2014 bằng 9,2 lần năm 2002. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phương tiện vận chuyển, máy móc, các sản phẩm chế tác khác, thực phẩm và sản phẩm sơ chế. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam không liên tục. Cụ thể, hai năm đầu thực hiện BTA, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng từ 460 triệu USD năm 2001 lên 1.324 triệu USD năm 2003, gần gấp 3 lần, chủ yếu do việc thực hiện hợp đồng mua máy bay

Boeing; các năm 2004 - 2006 chỉ giữ mức xấp xỉ 1.100 triệu USD/năm và năm 2007 đạt 1,68 tỷ USD; ba năm sau đó tăng nhanh hơn: năm 2008 là 2,85 tỷ USD, năm 2009 là 2,71 tỷ USD, năm 2010 là 3,77 tỷ USD. Năm 2014, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD.

Một vấn đề cần lưu ý là, doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác tốt thị trường công nghệ cao của Mỹ thông qua nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại gắn liền với chuyển giao công nghệ, một phần vì giá đắt hơn nhiều so với nhập khẩu từ Trung Quốc, một phần vì chi phí vận chuyển khá cao. Tuy vậy, việc lựa chọn công nghệ và máy móc, thiết bị cần được doanh nghiệp tính toán trên cơ sở hiệu quả kinh tế, mà thực tế đã chứng minh rằng, do hám lợi vì giá rẻ, không ít trường hợp đã nhập khẩu công nghệ lạc hậu, hay hỏng hóc, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Kể từ khi hai nước ký BTA, hàng ngàn doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc tự túc kinh phí, đã tiến hành nghiên cứu thị trường, tham gia hội chợ, tiếp cận đối tác để thiết lập các mối liên hệ. Tuy vậy, sự hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về đặc điểm của thị trường Mỹ còn hạn chế từ luật pháp, đến tập quán kinh doanh, hoạt động tiếp thị.

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã phải đương đầu với các vụ kiện bán phá giá tại Mỹ. Các vụ kiện thương mại là một phần trong buôn bán quốc tế, không thể tránh khỏi trong quá trình mở rộng quan hệ thương mại với các nước. Cục Quản lý xuất nhập khẩu (IA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ là cơ quan quản lý việc thi hành Luật Chống bán phá giá. IA thường khai thác các quy định của luật về việc bảo vệ lợi ích trong nước và thực hiện những phán quyết của tòa án Mỹ theo hướng đó.

Từ khi thành lập WTO (1995), việc thực thi Luật Chống bán phá giá của Mỹ là chủ đề gây tranh cãi giữa Mỹ và các nước thành viên khác của WTO. Các chuyên gia của WTO đã tìm ra mâu thuẫn trong quy định luật pháp của Mỹ với quy định của WTO và phản đối cách thức mà IA thực thi luật đó.

Để thu được kết quả lớn hơn trong việc mở rộng quan hệ thương mại song phương Việt - Mỹ, nước ta cần quảng bá tốt hơn hình ảnh Việt Nam tại Mỹ, quảng cáo chất lượng, kiểu dáng, giá cả hàng hóa trên các phương tiện truyền thông, qua các phòng trưng bày, các biện pháp tiếp thị phù hợp với đặc điểm thị trường Mỹ, chủ động phòng tránh và ứng phó có hiệu quả các vụ kiện chống bán phá giá.

Các doanh nghiệp cần đầu tư kinh phí và chuyên gia vào việc nghiên cứu thị trường để có cách tiếp cận thích hợp với từng mặt hàng, tạo lập quan hệ với đối tác trên cơ sở lòng tin và chia sẻ lợi ích. Hiệp hội ngành nghề cần tạo lập quan hệ hợp tác và phân công giữa các doanh nghiệp thành viên để đạt được kết quả trong việc tham gia hội chợ triển lãm, quảng cáo hàng hóa, tìm kiếm đối tác kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

TS. Lê Đăng Doanh trong một nghiên cứu về tác động của TPP đã đưa ra dự báo khá lạc quan rằng, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Mỹ sẽ tăng lên 38 tỷ USD vào năm 2017, lên 45 tỷ USD năm 2018 và 53 tỷ USD năm 2021.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kỳ vọng, TPP sẽ giúp kim ngạch xuất mặt hàng này đạt 30 tỷ USD năm 2020 và 55 tỷ USD năm 2030.

Cơ hội là rất lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ, như TPP đòi hỏi cao hơn về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn và phương thức kiểm tra, sở hữu trí tuệ…

Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần tiếp cận thông tin chính xác, áp dụng các giải pháp đủ mạnh để vượt qua thách thức lớn, tận dụng tốt cơ hội mới do TPP mang lại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, Ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, có bài viết riêng cho Báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư