Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Sẽ có nhiều giải pháp mạnh hơn hỗ trợ doanh nghiệp
Nguyên Vũ - 15/06/2020 18:41
 
Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra hiện nay là cần duy trì, củng cố nền tảng ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn, an ninh trên tất cả các khía cạnh của nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp chiều 15/6 của Quốc hội. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết thông tin trên khi phát biểu cuối phiên họp chiều 15/6, kết thúc hai ngày thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách của Quốc hội.

Chính phủ sẽ chủ động điều hành giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Trước đó, nhiều đại biểu đã thể hiện chính kiến về nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển nhanh nền kinh tế; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm trong tình hình mới.

Có thể nói Việt Nam đã thực hiện khá thành công nhiệm vụ kép đó là vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì được sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, Bộ trưởng khái quát.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kin h tế - xã hội năm 2020. Chính phủ sẽ chủ động điều hành các chính sách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống, nhất là đối với người lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh.

Chính phủ cũng sẽ chủ động điều hành và điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn theo ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định. Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra hiện nay là cần duy trì, củng cố nền tảng ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn, an ninh trên tất cả các khía cạnh của nền kinh tế nhất là an toàn xã hội, an toàn dịch bệnh, an ninh tài chính, tiền tệ, phản ứng chính sách nhanh, nhạy, kịp thời, chính xác nhằm chớp lấy thời cơ thuận lợi và nắm bắt, tận dụng được các cơ hội để phục hồi và phát triển, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ trưởng nêu rõ, cần phải kết hợp hài hòa giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, đó là tập trung hỗ trợ ngay cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt qua được khó khăn hiện nay, giảm thiểu tối đa việc phá sản các doanh nghiệp hoặc bị các nước ngoài thâu tóm với giá rẻ.

Chưa thể tăng trưởng cao trở lại 

Về tình hình năm 2020, Bộ trưởng cho biết, theo dự báo chung Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng dương. Mặc dù nền kinh tế nước ta đang dần trở lại hoạt động bình thường nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, du lịch, vận tải hàng không …

Qua kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm và dự báo tăng trưởng quý 2 thì chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, sức mua trong nước vẫn đang còn ở mức thấp, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Bộ trưởng thì mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng mức độ tiếp cận các giải pháp hỗ trợ của các doanh nghiệp còn rất khác nhau. Một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, doanh nghiệp còn khó tiếp cận.

Tại kỳ họp thứ 9 này, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, theo đó sẽ có nhiều giải pháp mạnh hơn hướng tới hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết.

Thông tin tiếp theo từ Bộ trưởng là trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi hoàn thiện các quy định, thực hiện quyết liệt cải cách, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực cho phát triển. Tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, giải quyết những vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới, giải quyết các bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển nhất là khu vực kinh tế tư nhân.

Chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, trong đó coi trọng thúc đẩy nội nhu và tăng cường năng lực của nền kinh tế hỗ trợ cho phát triển từng ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, khơi dậy nội lực, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Chúng ta đã làm được điều kỳ diệu về kiểm soát đại dịch COVID-19 , chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục làm được một điều kỳ diệu nữa đó là nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ trưởng lạc quan.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư