Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Sẽ nâng cấp hoặc làm mới hệ thống đấu thầu qua mạng
Bích Thủy - 13/08/2018 10:15
 
Đấu thầu qua mạng tại Việt Nam sẽ mở rộng về quy mô gói thầu và lĩnh vực, nhưng để mang lại hiệu quả như mong muốn, vẫn còn khá nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8. Ảnh: Đức Thanh
Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8. Ảnh: Đức Thanh

Mở rộng phạm vi - tăng cơ hội

Tại Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 (Vietnam E-Government Procurement Forum 2018) - diễn đàn cấp quốc gia về đấu thầu qua mạng lần đầu tiên tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, khối doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, cùng nhiều tổ chức quốc tế đã chia sẻ bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất ý kiến để hoàn thiện và cải tiến chính sách về quản lý, công nghệ và hoạt động của hệ thống trong tương lai.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (PPA - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay, đấu thầu qua mạng tại Việt Nam chỉ áp dụng cho những gói thầu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực mua sắm thường xuyên. PPA đang nâng cấp Hệ thống và hoàn chỉnh khung pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các gói thầu lớn cũng như việc mở rộng phạm vi áp dụng.

“Chúng tôi vừa ban hành thông tư để mở rộng cả về quy mô gói thầu và lĩnh lực mua sắm hàng hóa, cả xây lắp, cả dịch vụ, mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nhà thầu”, ông Trương cho biết.

Theo ông Trương, cơ hội sẽ còn lớn hơn, nếu cơ chế mua sắm tập trung được thực hiện qua mạng, khi nhu cầu mua sắm thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương đang gia tăng mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến đấu thầu mua sắm công, nhưng cơ hội tham gia cho họ vẫn còn hạn chế. Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, mua sắm công được ưu tiên cho nhà thầu trong nước, việc thuê, mua từ nước ngoài sẽ tuân thủ những hiệp định mà Việt Nam tham gia.

 

Sẽ mở rộng cả về quy mô gói thầu và lĩnh lực mua sắm hàng hóa, cả xây lắp, cả dịch vụ, mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nhà thầu.

Chẳng hạn, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp EU sẽ lần đầu tiên được tham gia đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam trong một số đơn vị như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tông công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), với các điều kiện áp dụng giống như các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Bà Phạm Thúy Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu của EVN cho biết, mỗi năm, tập đoàn này chi gần 5 tỷ USD đầu tư vào các dự án, với hàng ngàn gói thầu mua sắm, mang lại nhiều cơ hội cho các nhà thầu.

EVN là một trong những tập đoàn đi tiên phong trong đấu thầu qua mạng, EVN đã làm thay đôi về nhận thức đấu thầu qua mạng, khi năm 2009, tại Tập đoàn chỉ thực hiện hơn 10 gói thầu, năm 2016 là 1.800 gói thầu, năm 2017 thực hiện gần 4.000 gói thầu và những tháng đầu năm 2018, EVN đã triển khai trên 4.500 gói thầu. Không chỉ tăng số lượng các gói thầu, EVN đã triển khai đấu thầu qua mạng một số gói thầu quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên.

Việc mở rộng phạm vi áp dụng cũng sẽ mang đến cơ hội lớn hơn cho các nhà thầu trong các dự án sử dụng vốn của các đối tác phát triển như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB). Ông Adu - Gyamfi Abunyewa, chuyên gia cấp cao về đấu thầu của WB cho biết, với hơn 70% gói thầu trong các dự án sử dụng nguồn vốn của WB được thực hiện đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước trị giá lên đến 20 triệu USD/gói, nhiều gói thầu sẽ được thực hiện qua Hệ thống đấu thầu qua mạng sau khi PPA hoàn thiện nâng cấp các tính năng, mẫu hóa...

“Trong các dự án của WB, các gói thầu nhỏ mua sắm đã được thực hiện qua mạng. Hiện nay Hệ thống vẫn chưa sẵn sàng cho các gói thầu lớn hơn”, ông Abunyewa giải thích thêm.

Theo ông Abunyewa, việc nâng cấp Hệ thống đang được thực hiện rất tốt và sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới. Sau khi thử nghiệm thành công một số gói thầu trong dự án của Ngân hàng trên Hệ thống VNEPs, WB sẽ nhân rộng việc thực hiện đấu thầu qua mạng cho các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp thực hiện đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước trong các dự án có sử dụng nguồn vốn của WB vào cuối năm nay.

Cải thiện khuôn khổ pháp lý và nâng tầm công nghệ

Có thể khẳng định rằng, Hệ thống đấu thầu qua mạng hiện nay đáp ứng tiêu chuấn quốc tế về bảo mật, an toàn, thuận tiện, nhưng để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam vẫn còn phải tăng dung lượng đường truyền, dung lượng tải file dữ liệu, mẫu hóa các biểu thành web form.

Được biết, Hệ thống đấu thầu qua mạng của Việt Nam được xây dựng trên nền tảng hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc, với tính năng mới chỉ ở mức đơn giản, khi mà những tính mới như hợp đồng điện tử (e-contracting), thanh toán điện tử (e-payment), e-catalog vẫn chưa được cập nhật.

Theo Cục Quản lý đấu thầu, để tăng phạm vi áp dụng, số lượng gói thầu áp dụng trong thời gian tới, ngoài việc phải hoàn thiện khuôn khô pháp lý, việc xây dựng Hệ thống hiện đại thân thiện, vận hành thông suốt, đảm bảo an ninh là điều kiện tiên quyết.

“Chúng tôi đang sử dụng mô hình PPP để lựa chọn nhà đầu tư làm đối tác để xây dựng Hệ thống và dự kiến đến cuối năm 2018, hoặc đầu năm 2019 chúng ta sẽ tìm được nhà đầu tư để xây dựng nâng cấp Hệ thống hoặc làm Hệ thống mới”, ông Trương chia sẻ.

Tham gia đấu thầu qua mạng - cơ hội cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp
Theo thống kê của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm là 6.100 gói, tăng gần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư