Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sembcorp đẩy tiến độ Dự án Nhiệt điện Dung Quất
Thanh Hương - 10/06/2013 07:30
 
Sau khi được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện giai đoạn 2011 - 2020 trong tháng 5 vừa qua, Dự án Nhiệt điện Dung Quất đã được Chính phủ giao Công ty Sembcorp Utilities Pte Ltd (Singapore) phát triển.

Ông Tang Kin Fei, Chủ tịch Tập đoàn Sembcorp cho biết: “Chúng tôi tự tin sẽ phát triển dự án này thành công và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất”.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, sau khi được chỉ định là nhà phát triển dự án xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), hiện giờ là lúc để nhà đầu tư bắt tay đàm phán các hợp đồng BOT với Bộ Công thương, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hợp đồng cung cấp nhiên liệu…

Khi các bên thỏa thuận xong, thì sẽ ký tắt và hoàn tất hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Như vậy, còn một chặng đường dài mà nhà đầu tư phải đi qua trước khi chính thức triển khai xây dựng Nhà máy BOT Điện Dung Quất.

Dĩ nhiên, với 33% vốn góp trong Dự án Nhà máy Điện khí BOT Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Sembcorp có những lợi thế nhất định khi Dự án Nhiệt điện Dung Quất cũng được phát triển theo hình thức BOT.

Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 là hai dự án BOT đầu tiên trong ngành điện, với thời gian thực hiện trong 7 năm. Hai dự án BOT điện mới đây là Mông Dương 2 và Hải Dương 2 cũng không thể đẩy nhanh hơn tiến độ đàm phán các hợp đồng liên quan để rút ngắn thời gian triển khai.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia về các dự án điện BOT của Tổng cục Năng lượng cho biết, so với các hợp đồng liên quan đã được ký kết để thực hiện dự án BOT của Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3, thì các điều khoản liên quan trong quá trình đàm phán hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện cho các dự án BOT hiện tại đã có một số điểm thay đổi.

“Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh khá nhiều điều khoản trong các đàm phán hợp đồng BOT, thì hiện nay, một số cam kết bảo lãnh của Chính phủ đã giảm cả về mức độ và quy mô. Thời hạn bảo lãnh cho các hợp đồng mua bán điện, mua bán than hay mua bán khí cũng giảm so với trước đây…”, chuyên gia này nói và nhấn mạnh rằng, đàm phán các vấn đề liên quan đến dự án BOT chỉ có thể đẩy nhanh khi nhà đầu tư chấp nhận các khung điều kiện được quy định tại trong các luật hiện hành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư