Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Sếp phó VIB: Không có chuyện phá giá lãi suất
Hà Tâm - 25/09/2013 13:53
 
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốckiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng VIB, không có chuyện thời gian qua các ngân hàng cho vay dưới giá vốn. Ông trung cũng cho rằng, tín dụng cả nước năm nay chỉ tăng 9%. Doanh nghiệp tìm đâu vốn giá rẻ cuối năm?
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VIB

Thưa ông, tín dụng đang phục hồi. Ông có cho rằng, tăng trưởng tín dụng cả năm của toàn hệ thống sẽ sẽ đạt 12%?

Hiện nay, tăng trưởng tín dụng rất khó khăn vì các ngân hàng không dám cho vay thoải mái như trước nữa.

Dòng tiền chủ yếu quay về hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu.

Trong khi đó, đối tượng đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, đáp ứng được khẩu vị rủi ro của ngân hàng ngày càng ít đi.

Vì vậy, tôi cho cho rằng, tín dụng những tháng cuối năm không thể tăng vọt.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng cả nước năm nay chỉ đạt khoảng 9%.

Tín dụng tăng trưởng chậm có phải là lý do một số ngân hàng “phá giá” lãi suất thời gian qua không, thưa ông?

Nói ngân hàng phá giá hay cho vay dưới giá vốn là không đúng.

Chúng ta phải tính giá vốn huy động bình quân của ngân hàng chứ không phải căn cứ trần lãi suất huy động. Hiện nay, dù trần lãi suất huy động là 7%/năm nhưng nếu ngân hàng có tiền gửi vãng lai lớn (với lãi suất huy động thấp) thì chi phí vốn sẽ rẻ đi.

Hiện nay, giá vốn của nhiều ngân hàng chỉ 5-6%/năm nên họ cho vay 6-7% không phải là cho vay dưới giá vốn. Chưa kể, nhiều khi ngân hàng cho vay lãi suất 6-7%/năm nhưng chỉ áp dụng trong 6 tháng đến 1 năm, sau thời gian này, ngân hàng cộng thêm 3-5% lãi suất, nếu cộng lại chia đều thì ngân hàng vẫn có lãi.

Tín dụng tăng trưởng chậm nhưng VIB lại xin chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 20%. Nhìn vào đâu mà VIB xin chỉ tiêu cao như vậy, thưa ông?

Tín dụng của VIB trong 6 tháng đầu nay chỉ tăng 6% nhưng chúng tôi phấn đấu cả năm nay sẽ tăng 20% (hạn mức này đã được NHNN phê duyệt).

VIB không hướng tín dụng vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng bởi lĩnh vực này không thuộc khẩu vị rủi ro của VIB mà chúng tôi tập trung vào mảng DN xuất nhập khẩu và DN FDI. VIB đã thành lập “đội” phụ trách DN FDI cách đây 2 năm và hiện đang phát huy rất tốt. Nói cách khác, một phần nhờ DN khối FDI mà chúng tôi tự tin với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20%.

Doanh nghiệp FDI thường lựa chọn các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để giao dịch, làm sao để ngân hàng trong nước cạnh tranh với khối ngoại để thu hút DN FDI?

Ngân hàng nước ngoài tuy có nhiều lợi thế về vốn nhưng lại không có mạng lưới phân phối rộng bằng các ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, nhiều DN FDI lớn tại Việt Nam, khi cần ngân hàng có khả năng đáp ứng được chuỗi cung ứng của họ thì ngân hàng ngoại khó thực hiện trong khi VIB hoàn toàn có thể tham gia tài trợ chuỗi cung ứng đó.

Vì vậy, chúng tôi chủ trương đẩy mạnh chiếm lĩnh phân khúc này. Ngoài ra, nhiều DN nhỏ đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc - không thể tiếp cận được với những ngân hàng nước ngoài- cũng là đối tượng khách hàng mà chúng tôi nhắm đến.

Trong bối cảnh lãi suất như hiện nay, ông có lời khuyên nào với DN?

Hiện mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, xấp xỉ mặt bằng lãi suất giai đoạn 2005-2006. Các ngân hàng đã hạ tối đa lãi suất do ứ vốn, khó cho vay.

Với khả năng lạm phát năm nay khoảng 7%, dư địa hạ thêm lãi suất hầu như không còn. Theo chúng tôi dự báo, mặt bằng lãi suất và tỷ giá 2 năm tới cũng sẽ không có nhiều biến động.

Vì vậy, thời điểm này là “mốc” để DN xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn của mình, đừng chờ đợi lãi suất giảm thêm nữa.

Tín dụng tăng 6,8%, lãi suất huy động nhắm mốc 6%/năm
Bản tin Kinh tế Vĩ mô số 9 vừa được Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố. Theo đó, cơ quan này khẳng định, chính sách giảm lãi suất của NHNN thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư