Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Shenzhen Component đi xuống khi lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc chững lại
Lê Quân - 01/09/2021 08:20
 
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 8 với những gam màu trái ngược.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục biến động trái chiều trong ngày giao dịch 31/8. Ảnh: AFP
Chứng khoán Trung Quốc đại lục biến động trái chiều trong ngày giao dịch 31/8. Ảnh: AFP

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục biến động trái chiều sau thông tin lĩnh vực sản xuất chế tạo tăng trưởng chậm lại. Chỉ số Shanghai (Thượng Hải) Composite vẫn đóng cửa tăng 0,45% lên 3.543,94 điểm, trong khi chỉ số Shenzhen (Thâm Quyến) Component để mất 0,659% còn 14.328,38 điểm.

Dữ liệu công bố cùng ngày cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực sản xuất chế tạo tại Trung Quốc chỉ đạt 50,1 điểm trong tháng 8, thấp hơn mức 50,4 ghi nhận vào tháng 7.

Bên cạnh đó, chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt 47,5 điểm trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020. Chỉ số PMI đạt trên 50 cho thấy ngành/lĩnh vực đạt tăng trưởng trong kỳ khảo sát và ngược lại.

Theo dữ liệu của Công ty phân tích dữ liệu thị trường Statista (Đức), tính đến tháng 7/2021, các công ty trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm áp đảo trong số doanh nghiệp niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (Trung Quốc), với 1.673 công ty, chiếm tỷ trọng 67%; theo sau là các công ty công nghệ thông tin với tỷ trọng khoảng 10%.

Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty sản xuất chế tạo niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến ước đạt 23.000 tỷ nhân dân tệ, theo Statista.  

"Tôi cho rằng những chỉ số này (PMI) đã xác nhận điều mà nhiều dữ liệu khác đã gợi mở từ lâu rằng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại", ông Jonathan Pain, tác giả của Báo cáo triển vọng tài chính và kinh tế toàn cầu The Pain Report bình luận trên đài CNBC.

Chuyên gia này đánh giá: "Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bước vào đại dịch Covid-19 và cũng là nước đầu tiên vượt lên trên dịch bệnh và tôi nghĩ bây giờ chúng ta bắt đầu chứng kiến sự chững lại ngày càng sâu rộng trong toàn nền kinh tế này".

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong hôm nay không phản ứng dữ dội như các phiên giao dịch trước đó, sau khi Bắc Kinh ban hành quy định mới liên quan đến ngành game.

Đơn cử, cổ phiếu của Tập đoàn phát triển game trực tuyến Tencent tăng 3,31% trong ngày giao dịch cuối tháng sau những cú trượt dài do áp lực pháp lý từ Bắc Kinh. Trái lại, cổ phiếu Công ty công nghệ internet Netease sụt giảm hơn 2%.

Cơ quan xuất bản và báo chí Trung Quốc hôm 30/8 công bố quy định mới rằng thời gian mà người dưới 18 tuổi chơi game điện tử chỉ còn 3 giờ/tuần.

Nhìn chung, chỉ số Hang Seng của Hong Kong hôm nay vẫn đóng cửa tăng 1,33% lên 25.878,99 điểm.

Chứng khoán Nhật - Hàn hôm nay cũng "xanh đậm". Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,08% lên 28.089,54 điểm, còn chỉ số Topix kết thúc ngày giao dịch với 1.960,70 điểm, tăng 0,54%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc bật tăng 1,75% lên 3.199,27 điểm.

Chỉ số S&P/ASX 200 tại Australia đóng cửa nhích 0,41%. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 1,34%.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm còn 92,502, sau khi trượt về mốc trên 93,0 trong tuần trước. Đồng yên Nhật rớt giá nhẹ so với hôm qua, xuống mức 109,84 USD đổi 1 USD, trong khi đồng đô la Australia lên giá và trao tay 1 AUD "ăn" 0,733 USD.

Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á đi xuống trong phiên chiều 31/8. Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm gần 1% xuống 72,73 USD/thùng, trong khi giá dầu thô giao sau của Mỹ rớt mạnh hơn 1,1% còn 68,43 USD/thùng.

Chứng khoán im ắng, giá dầu bật lên trước thềm Hội nghị kinh tế Jackson Hole
Các chỉ số chứng khoán lớn ở châu Á - Thái Bình Dương rung lắc nhẹ trong ngày giao dịch 27/8 trước thềm Hội nghị kinh tế Jackson Hole do Cục dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư