Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Siết thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới
Tú Ân - 05/11/2022 07:56
 
Hàng loạt giải pháp được cơ quan thuế đưa ra nhằm chống thất thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thất thu lớn

Theo Bộ Tài chính, số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỷ đồng. Số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm, đặc biệt tăng cao từ năm 2021 (đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020).

Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước như Facebook (2.099 tỷ đồng), Google (2.114,6 tỷ đồng), Microsoft (714 tỷ đồng)…

“Dịch vụ kỹ thuật số, thương mại điện tử và viễn thông chiếm khoảng 8% GDP, trong đó thương mại điện tử và dịch vụ xuyên biên giới chiếm xấp xỉ 6% GDP. Năm 2021, Việt Nam mới thu được hơn 1.200 tỷ đồng. Năm nay dự kiến thu hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, con số thất thu là nhiều ngàn tỷ đồng”, PGS-TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ ra một số hạn chế như khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; trong việc xác định được căn cứ tính thuế; khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Cùng với đó là khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Chủ sở hữu sàn phải cung cấp thông tin để tính thuế

Trong tháng 9/2022, Bộ Tài chính đã xây dựng thành phần dữ liệu, phương thức kết nối giữa sàn thương mại điện tử và hệ thống của Tổng cục Thuế. Dự kiến tháng 11/2022, hoàn thành việc xây dựng Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử, tiến hành triển khai thí điểm với 3 sàn thương mại điện tử và sẽ triển khai chính thức từ tháng 1/2023.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực nâng cao hiệu quả thu thuế với sàn thương mại điện tử, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó, bổ sung điểm mới về trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử.

Theo đó, các chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, để siết chặt quản lý thuế thương mại điện tử, chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế dự kiến tiếp tục triển khai một cổng thông tin để các sàn thương mại điện tử kê khai, có thể nộp thay các hộ kinh doanh.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời, tăng cường thanh - kiểm tra theo kết hoạch và chuyên đề với hoạt động thương mại điện tử, tập trung vào nhà cung cấp nước ngoài và một số chủ sàn thương mại điện tử…

Cách nào đốc thúc “ông lớn” xuyên biên giới nộp thuế?
Kiếm hàng tỷ USD từ Việt Nam, nhưng các công ty công nghệ xuyên biên giới mới chỉ nộp phần nhỏ tiền thuế nhà thầu. Nhiều giải pháp đã, đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư