Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng: Khó chặn sở hữu chéo, lại làm khó nhà đầu tư ngoại
Thùy Liên - 29/11/2023 08:29
 
Theo các luật sư và chuyên gia kinh tế, việc giảm tỷ lệ sở hữu ngân hàng của cá nhân, tổ chức không có nhiều tác dụng với chống sở hữu chéo, trong khi có thể gây khó cho việc thu hút vốn ngoại đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nguy cơ mũi tên chệch mục tiêu

Theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân, tổ chức từ mức 5% và 15% vốn điều lệ xuống còn 3% và 10%. Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%. Mục đích của NHNN khi bổ sung các quy định này là chống sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc giảm tỷ lệ sở hữu như trên không có nhiều ý nghĩa trong ngăn chặn sở hữu chéo. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, tỷ lệ sở hữu ngân hàng như quy định hiện hành là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thậm chí, nhiều quốc gia còn chấp nhận tỷ lệ sở hữu cao hơn Việt Nam.

“Tỷ lệ sở hữu không phải là vấn đề, vấn đề chính là minh bạch sở hữu và giám sát cho vay. Nếu các ông chủ ngân hàng nắm 15-20% vốn ngân hàng thì không ai có thể lũng đoạn ngân hàng. Thực tế các trường hợp khuynh đảo ngân hàng vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của các ông chủ nhà băng lên tới 80-90%”, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Đơn cử, tại Ngân hàng SCB, theo kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an, trên sổ sách, bà Trương Mỹ Lan chỉ nắm giữ 4,98% vốn điều lệ ngân hàng này, nhưng thực tế nắm giữ tới 91% cổ phần thông qua 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ.

Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trên hồ sơ giấy tờ hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Do đó, quản lý tảng băng nổi này không có tác dụng.

Theo GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM), sở hữu chéo là một mục tiêu tàng hình, các chủ nhà băng dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần, nhưng vẫn có thể chi phối nhà băng dễ dàng như trở bàn tay. Để đối phó với mục tiêu di động, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lại chỉ hướng nòng pháo đến… điểm tựa cố định là hằng số bất biến về tỷ lệ sở hữu, thành ra bao năm qua cứ liên tục bắn trật mục tiêu. 

Tương tự, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cũng nhìn nhận, sở hữu chéo là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Siết giảm tỷ lệ sở hữu là các biện pháp hữu hình. Dùng các công cụ hữu hình để xử lý cái vô hình sẽ không hiệu quả.  

Làm khó nhà đầu tư nước ngoài

Trong khi không có nhiều ý nghĩa đối với chống sở hữu chéo, việc giảm tỷ lệ sở hữu lại có nguy cơ gây tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng. Nếu đề xuất này được thông qua và áp dụng hồi tố, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì nhiều nhà đầu tư lớn phải thoái vốn. Đặc biệt, quy định này sẽ càng làm giảm sức hấp dẫn của ngân hàng trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.

Thay vì giảm tỷ lệ sở hữu, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi nên tập trung làm rõ khái niệm “người có liên quan” để minh bạch sở hữu. Bởi vì gốc rễ của sở hữu lũng đoạn hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay nằm ở chỗ sở hữu ngầm, sở hữu mượn danh.

- Luật sư Trần Anh Đức, Công ty Luật TNHH Allen & Overy (Việt Nam)

Trong góp ý gửi tới NHNN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tế tỷ lệ sở hữu tối đa hiện hành tại Việt Nam tương đối thấp so với nhiều nước. Tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị, bởi các cổ đông không thực sự gắn bó với việc kinh doanh của nhà băng.

“Thêm vào đó, phương án giảm tỷ lệ sở hữu sẽ khiến một số cổ đông hiện hữu phải bán lại cổ phần của họ. Điều này không bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản theo Hiến pháp”, VCCI cảnh báo và đề nghị, trong trường hợp vẫn muốn giảm tỷ lệ sở hữu thì không nên áp dụng hồi tố.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Luật sư Trần Anh Đức, Công ty Luật TNHH Allen & Overy (Việt Nam) cho rằng, các quy định siết tỷ lệ sở hữu trên không có tác dụng chống sở hữu chéo, trong khi lại gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng như gây khó khăn cho các ngân hàng nội muốn tìm cổ đông chiến lược nước ngoài.

“Lâu nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chê tỷ lệ sở hữu quy định của nhà đầu tư tại ngân hàng Việt Nam là quá thấp, nay nếu siết giảm nữa thì e rằng, các nhà đầu tư nước ngoài lại càng e ngại rót vốn. Trong khi đó, việc giảm tỷ lệ sở hữu cũng không thể giúp cơ quan chức năng đạt được mục đích chống sở hữu chéo”, ông Đức bình luận. 

Các chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) cho rằng, siết tỷ lệ sở hữu chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, còn trên thực tế, các cổ đông có thể sử dụng nhiều cách thức để nắm quyền chi phối tại các tổ chức tín dụng. Siết tỷ lệ sở hữu vì thế sẽ không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo.

Do đó, để kiểm soát sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu. Bên cạnh đó, phải tăng cường năng lực thanh tra, giám sát và nhìn nhận các mối quan hệ chồng chéo trong việc sở hữu và cho vay sân sau.

“Hiến kế” xử lý triệt để thao túng, sở hữu chéo ngân hàng
Dù đã được hoàn thiện thêm một bước, song Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (Dự thảo) vừa được đặt lên bàn nghị sự của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư