Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Sinh viên góp sức nâng cao an toàn trên không gian mạng cho phụ nữ yếu thế và người khuyết tật
P.V - 22/12/2023 15:00
 
Với sự hỗ trợ của sinh viên trên cả nước thông qua Dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số, người khuyết tật, phụ nữ yếu thế không chỉ nắm vững kỹ năng số để giao tiếp, tiếp thu kiến thức trên mạng internet mà còn có thể kiếm thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN

Công nghệ thông tin phát triển sẽ giúp người khuyết tật (NKT) có cơ hội kiếm thêm thu nhập, góp nhặt kỹ năng sống, biết tìm sự tư vấn từ những người có uy tín và các nguồn tin chính thống. Từ đó, giúp họ không còn là đối tượng yếu thế, dễ dàng bị lợi dụng, dụ dỗ, lừa đảo trực tuyến…

Hơn nữa, khi có việc làm và được tiếp xúc nhiều hơn với xã hội, NKT và phụ nữ nội trợ có thu nhập thấp sẽ năng động hơn trong suy nghĩ và hoạt động thường nhật. Khi bán hàng trên mạng, họ sẽ tương tác với nhiều người hơn và có niềm vui tinh thần mỗi ngày, bên cạnh thu nhập tăng thêm cho cuộc sống.

Tuy nhiên, không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với NKT và phụ nữ yếu thế. Do đó, họ cần trang bị thêm năng lực kỹ thuật số trước khi tham gia vào không gian mạng. Theo các chuyên gia, năng lực kỹ thuật số không chỉ là kỹ năng sử dụng các phần mềm Word, Excel hay ứng dụng Facebook... mà năng lực kỹ thuật số bao gồm phân biệt, tìm nguồn đáng tin cậy, đánh giá mức độ phù hợp của thông tin; Tham gia tranh luận trực tuyến an toàn và lành mạnh; Sáng tạo nội dung và các vấn đề về sở hữu trí tuệ; Bảo vệ thiết bị và bảo vệ dữ liệu cá nhân; Giải quyết vấn đề kỹ thuật.

Là một phụ nữ nội trợ muốn cải thiện thu nhập bằng cách bán hàng online, chị Lê Thị Mai chia sẻ: “Mình hiểu ra việc không nắm bắt kiến thức kỹ thuật số sẽ khiến chính bản thân gặp khó khăn và bất tiện hơn trong cuộc sống, đặc biệt là trong buôn bán trực tuyến. Mình nhận ra bản thân cần trau dồi thêm kiến thức để biết nắm bắt thời cơ, từ đó liên kết với các ứng dụng giao hàng để mở rộng quy mô kinh doanh”.

Sinh viên là mảnh ghép không thể thiếu trong hành trình nâng cao an toàn trên không gian mạng cho cộng đồng yếu thế

Nhằm tăng cường kiến thức về bảo mật thông tin cá nhân cũng như bảo vệ người yếu thế trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số do RMIT Việt Nam triển khai và Traveloka Việt Nam tài trợ đã mang lại những hiệu quả thiết thực. 

Là người khiếm thị, khuyết tật vận động, chị Nguyễn Thị Năm chia sẻ rằng, thông qua những buổi tập huấn trong Dự án, chị đã biết cách phòng tránh lừa đảo trên mạng. “Tôi rút ra được kinh nghiệm là nên hạn chế chia sẻ các dữ liệu cá nhân lên mạng để tránh bị kẻ xấu đánh cắp thông tin. Đây là những buổi học vô cùng ý nghĩa với tôi vì nó đem lại giá trị thiết thực khi tôi sử dụng mạng Internet. Tôi nghĩ đó cũng là điều những người khuyết tật khác cảm nhận được khi tham gia Dự án”, chị Năm cho hay. 

Với sự giúp sức của sinh viên đến từ RMIT Việt Nam và các trường đại học trên toàn quốc, Dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế đã tổ chức chuỗi hoạt động đào tạo, tư vấn bổ ích. Có thể kể đến buổi tuyên truyền do các bạn sinh viên chủ động tổ chức cho hơn 41 phụ nữ trung niên có mức thu nhập thấp ở Phú Nhuận vào ngày 25/11 vừa qua. 

Không chỉ tập trung tại TP.HCM, các bạn sinh viên với sức trẻ, tinh thần học hỏi cao và kiến thức vững về sức mạnh số đã mở rộng địa bàn triển khai Dự án tại các tỉnh thành lân cận với mong muốn tuyên truyền rộng rãi hơn nữa các kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế. Một trong số đó là buổi đào tạo tại Tiền Giang với sự tham gia của hơn 40 phụ nữ nơi đây.


“Sau khi tham gia chuyến đào tạo, mình cảm thấy Dự án rất bổ ích cho bản thân mình nói riêng và cho các chị, các cô được đào tạo, tuyên truyền nói chung. Bản thân mình đã học được cách bảo vệ thông tin cá nhân cũng như củng cố kiến thức để tránh các chiêu trò của kẻ xấu trên mạng internet”, Trần Mạch Triển Tường – Sinh viên một trường Đại học tại TPHCM.

Đặc biệt, tại Hà Nội, 12 người khiếm thị và khiếm thính đã được Dự án đào tạo và phát triển kỹ năng số để tuyên truyền, giảng dạy cho các nhóm người khuyết tật khác.


“Buổi tập huấn đã cung cấp cho tôi những kiến thức cần thiết để truy cập Internet một cách an toàn. Tôi chắc rằng nhiều người khiếm thính trong cộng đồng của chúng tôi không biết những kỹ năng này. Tôi sẽ chia sẻ với họ những gì tôi đã học được và hy vọng sẽ có những khoá đào tạo khác về các chủ đề trong cuộc sống như sức khoẻ, công nghệ để chúng tôi được học được những kỹ năng và kiến thức mới”, Nguyễn Phương Tú, một sinh viên khiếm thính tham gia Dự án tại Hà Nội bày tỏ. 

Có thể thấy, với Dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số do RMIT Việt Nam triển khai, sinh viên là một mắt xích quan trọng để trang bị kiến thức và kỹ năng giúp cộng đồng yếu thế thu hẹp khoảng cách số. Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng giới, không rào cản, đa dạng và hòa nhập.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư