Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
SLP Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào kho, xưởng xây sẵn
Duy Bắc - 30/07/2024 16:08
 
Đó là chia sẻ của ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc Công ty SLP Việt Nam tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024: “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới”.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, Việt Nam đang và tiếp tục trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư, điểm đến của nhiều Tập đoàn đa quốc gia. Trong đó, để có thể thu hút và giữ chân được các Tập đoàn lớn trên thế giới, bên cạnh các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, địa phương, sự phát triển cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng phải có sự chuẩn bị, đầu tư bài bản để có thể thu hút doanh nghiệp tới khu công nghiệp.

Là một nhà phát triển bất động sản công nghiệp tầm cỡ toàn cầu, đã tham gia đầu tư phát triển 11 khu công nghiệp tại Việt Nam, ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc Công ty SLP Việt Nam đã chia sẻ đóng góp của Công ty vào sự phát triển thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe của các nhà đầu tư.

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển kinh tế toàn quốc Công ty SLP Việt Nam
Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc Công ty SLP Việt Nam

“Chúng tôi xác định phải liên tục nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy phát triển các giải pháp và sản phẩm mới. Qua đó, hỗ trợ sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa chi phí và rút ngắn thời gian đi vào hoạt động của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lần đầu tiên tới Việt Nam”, ông Nam chia sẻ.

Nhìn nhận về xu hướng phát triển sản phẩm trong thời gian tới, ông Nam chia sẻ, những sản phẩm có triển vọng phát triển trong giai đoạn tới vẫn sẽ là nhà kho, xưởng xây sẵn và kho lạnh.

“Đối với nhà kho, nhà xưởng hay kho lạnh, theo quan điểm của tôi, nên được đặt trong một hệ sinh thái. Quy mô nào hay việc gọi tên là một khu công nghiệp cho các loại hình này, theo tôi, không quan trọng bằng việc dự án đó, tổ hợp đó, có gắn với một hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ hay không. Hệ sinh thái về công nghiệp, hoặc vị trí mới tạo ra nhu cầu, và mới có khả năng để phát triển”, ông Nam chia sẻ thêm.

Qua thực tế đầu tư, SLP Việt Nam vẫn nhìn thấy sự tích cực về dài hạn. Điểm sáng của nền kinh tế và tiềm năng thu hút vốn của Việt Nam so với các nước trong khu vực là lợi thế. Bên cạnh đó, giá thuê đất vẫn thấp so với khu vực, nguồn nhân công và xu hướng đa dạng hoá nơi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cũng là lợi thế của Việt Nam. Nếu như năm 2023, nhà đầu tư đánh vẫn có những lo ngại nhất định thì qua hơn 6 tháng đầu năm 2024, niềm tin nhà đầu tư đã quay trở lại, nhà đầu tư tăng cường hoạt động đầu tư, mở rộng nhà máy tại thị trường Việt Nam.

Thực tế, sau một giai đoạn phát triển, thị trường đang có nhiều nhà phát triển bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp, điều này giúp thị trường cạnh tranh hơn về chất lượng, về dịch vụ thay vì cạnh tranh về giá như giai đoạn trước đó.

Theo đại diện SLP Việt Nam, năm 2020 khi tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam, đơn vị đã huy động hơn 1,1 tỷ USD, giá trị đầu tư khá lớn tại thời điểm đó. Trong đó, giai đoạn đầu, Công ty tập trung phát triển sản phẩm nhà kho. Hiện tại, Công ty nhìn thấy tiềm năng lớn ở nhà xưởng xây sẵn. Đồng thời, thị trường cũng đang bắt đầu có xu hướng hình thành một số sản phẩm xây dựng theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe của nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia với nhu cầu thuê diện tích lớn.

Công ty đánh giá nhu cầu cho các sản phẩm xây sẵn còn rất lớn. Việc hấp thụ sản phẩm có một số thời điểm chậm do chu kỳ kinh tế, hoặc nguồn cung lớn cùng xuất hiện. Tuy nhiên dự báo dung lượng và nhu cầu thị trường còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, nhu cầu từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, làn sóng chuyển dịch vẫn đang diễn ra.

Ngoài ra, thị trường nội địa của Việt Nam cũng đang có dấu hiệu phục hồi tốt, do đó trung và dài hạn vẫn là triển vọng lạc quan cho lĩnh vực này.

“Là một Tập đoàn toàn cầu, và cũng đã thực hiện đầu tư vào nhiều dự án hoặc các KCN lớn, đặc thù ở các quốc gia khác trên thế giới, SLP không loại trừ việc mở rộng danh mục đầu tư vào Việt Nam, yếu tố quan trọng vẫn là từ tiềm năng, và nhu cầu thị trường”, ông Nam chia sẻ.

Bên cạnh cơ hội và tiềm năng lớn, ông Nam cho rằng, các yếu tố vĩ mô ổn định, dân số trẻ, chi phí hợp lý cũng sẽ hỗ trợ sự phát triển của ngành. Trong đó, đặc biệt cần thêm cơ chế rõ ràng hơn từ Chính phủ để thúc đẩy lĩnh vực bất động sản công nghiệp phát triển.

Cần tiếp tục ổn định và kiểm soát được các yếu tố nền tảng (chi phí đầu tư về đất đai, lao động, pháp lý), tránh để bị tăng quá nóng trong khi các yếu tố “mềm” về dài hạn chưa phát triển kịp (trình độ lao động, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, chính sách). Đẩy nhanh việc hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng cao trình độ lao động, chính sách riêng biệt và chuyên sâu cho các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư để giữ chân nhà đầu tư, tránh chỉ phụ thuộc vào các yếu tố ngắn hạn và phụ thuộc vào yếu tố địa chính trị quá nhiều.

“Từ góc độ nhà đầu tư, chúng tôi rất mong muốn có những cơ chế, chính sách khuyến khích riêng biệt để tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển nhanh, bền vững như chính sách tín dụng (cơ chế lãi suất ưu đãi), chính sách thu hút đầu tư (giá đất, thuế suất…)”, ông Nam bày tỏ.

Với kinh nghiệm phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam và các nước trên thế giới, đại diện SLP Việt Nam cũng chia sẻ thêm về điểm mạnh và điểm mà Việt Nam cần cải thiện để thu hút vốn đầu tư và giữ chân nhà đầu tư.

Đầu tiên, Việt Nam cần phải giữ những yếu tố như nguồn lao động, chi phí đất đai hấp dẫn, đây là những yếu tố mà các nhà đầu tư vẫn đang xem xét khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Thứ hai, bên cạnh lợi thế sẵn có, Việt Nam cần phát triển chuỗi cung ứng để đáp ứng được sự tối ưu khi các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, thực tế một số nhà đầu tư nhìn nhận tổng các chi phí đầu tư ở Việt Nam chưa hấp dẫn hơn một số thị trường lân cận, nguyên nhân chủ yếu do chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển đồng bộ, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn.

Thứ ba, trong quá trình đầu tư và phát triển hơn 4 năm ở các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, SLP Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn liên quan đến giấy phép, lĩnh vực bất động sản công nghiệp có biên lợi nhuận thấp hơn bất động sản thương mại, vì vậy thiếu chính sách ưu đãi thuế, tín dụng …

Và cuối cùng, hạ tầng ở Việt Nam chưa đồng bộ, hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư để kết nối vùng, khu vực, từ đó giúp đồng bộ cơ sở hạ tầng.

Dự án SLP Park Yen Phong của SLP Việt Nam tại Bắc Ninh
Dự án SLP Park Yen Phong của SLP Việt Nam tại Bắc Ninh

Theo tìm hiểu, SLP Việt Nam là đơn vị phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng công nghiệp và logistics hiện đại, cùng các giải pháp dẫn đầu về công nghệ tại Đông Nam Á. Công ty là thành viên của GLP Capital Partners (GCP), nền tảng quản lý quỹ toàn cầu của GLP, Tập đoàn hàng đầu Thế giới về xây dựng, phát triển, quản lý và vận hành bất động sản công nghiệp và logistics, trung tâm dữ liệu, năng lượng tái tạo, và các công nghệ liên quan.

Sau nhiều năm phát triển tại thị trường Việt Nam, SLP Việt Nam đã đầu tư xây dựng 11 dự án, tổng diện tích xây dựng dự kiến khoảng 1 triệu m2, hiện tại đã sẵn sàng khoảng 470.000 m2 và trong tương lại, SLP Việt Nam tiếp tục mở rộng dự án và triển khai xây dựng tại Bắc Ninh, Đồng Nai, Hưng Yên, sẽ có kế hoạch công bố trong năm 2025.

Khai mạc Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) 2024: Xanh hóa đón sóng đầu tư mới
Chiều nay, ngày 30/7, Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) 2024: “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới” lần thứ tư do Báo Đầu tư tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư