Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Số ca mắc Covid-19 vượt mốc 10 triệu, tâm dịch dồn về Âu - Mỹ
Lê Quân - 28/06/2020 17:22
 
Đại dịch Covid-19 hôm nay 28/6 sang "bước ngoặt" mới khi số ca nhiễm trên toàn cầu vượt 10 triệu người, theo thống kê của Reuters.
Mẫu bệnh phẩm của người bệnh được lấy tại phòng xét nghiệm Covid-19 ở thành phố West Palm Beach, Mỹ hồi tháng 3. Ảnh: AFP
Mẫu bệnh phẩm được lấy tại phòng xét nghiệm Covid-19 ở thành phố West Palm Beach, Mỹ hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Cùng với đó là dấu mốc về sự hủy diệt của dịch bệnh khi có gần nửa triệu người tử vong vì Covid-19 trong vòng 7 tháng qua.

Con số 10 triệu người nhiễm Covid-19 cao gần gấp đôi số người mắc các bệnh cúm nghiêm trọng hàng năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Một trong những nguyên nhân được xác định khiến đại dịch Covid-19 cán mốc mới là việc nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh đã sớm nới lỏng các biện pháp phong tỏa và tạo thay đổi lớn về công việc cũng như đời sống của người dân - những động thái lẽ ra phải được kéo dài hơn một năm nữa hoặc chờ đến khi có vaccine kháng Covid-19.

Hệ lụy thấy rõ là nhiều quốc gia đang hứng chịu số ca mắc Covid-19 tăng trở lại, đẩy nhà chức trách vào tình thế tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, còn các chuyên gia lo ngại dịch bệnh sẽ tái phát trong những tháng tới và thậm chí vào năm 2021.

Theo thống kê của Reuters, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và châu Âu mỗi khu vực này chiếm khoảng 25% tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, trong khi số ca bệnh tại châu Á và Trung Đông lần lượt chiếm khoảng 11% và 9%.

Đến nay đã có hơn 497.000 ca tử vong liên quan đến Covid-19, gần bằng với tổng số ca tử vong do các bệnh cúm được ghi nhận hàng năm trên thế giới.

Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 10/1, sau đó lan rộng sang châu Âu, Mỹ và Nga. Đại dịch đã bước vào giai đoạn mới khi Ấn Độ và Brazil đang vật lộn đối phó hơn 10.000 ca nhiễm mỗi ngày, gây áp lực lên hệ thống y tế và các nguồn lực.

Tính riêng tuần qua, 2 quốc gia này có số ca nhiễm Covid-19 bằng 1/3 tổng số ca mắc trên toàn cầu. Đặc biệt, Brazil xác nhận kỷ lục 54.700 người mắc Covid-19 trong ngày 19/6, điều này khiến một số nhà nghiên cứu dự báo số người tử vong vì Covid-19 ở Mỹ Latinh có thể tăng vọt từ mức 100.000 trong tuần này lên 380.000 người vào tháng 10 tới.

Trên bình diện toàn cầu, tổng số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng với tốc độ từ 1-2%/ngày trong tuần qua, nhưng giảm mạnh so với tốc độ tăng trên 10% hồi tháng 3.

Dịch Covid-19 tại Trung Quốc, New Zealand và Australia đã ghi nhận những đợt bùng phát mới trong tháng qua, dù các quốc gia này đã nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan trong nước. Theo Reuters, Bắc Kinh có hàng trăm ca mắc Covid-19 mới liên quan đến một khu chợ nông sản, khiến cơ quan chức năng nơi đây phải tăng tốc và mở rộng xét nghiệm Covid-19 lên 300.000 ca/ngày.

Trong khi đó, Mỹ - quốc gia xác nhận số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trên thế giới với hơn 2,5 triệu người mắc - đã cố ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong tháng 5. Tuy nhiên, vài tuần qua, Mỹ đã ghi nhận dịch bệnh lan rộng đến một số vùng nông thôn và các khu vực khác mà trước đó chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tại một số quốc gia có năng lực xét nghiệm Covid-19 hạn chế, số ca bệnh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số ca mắc trên toàn cầu, nhưng đáng mừng là một nửa số ca nhiễm đã hồi phục.

IMF đã trợ cấp vốn cho 72 quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do COVID-19 sẽ thử thách nguồn lực trị giá 1.000 tỷ USD của IMF, nhưng hiện chưa đến mức đó. IMF đã trợ cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư