Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Số lượng quy hoạch giảm mạnh từ 3.654 xuống còn 111 quy hoạch
- 30/05/2022 08:08
 
Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, hệ thống quy hoạch quốc gia với 111 quy hoạch đã thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này.

Ngay trong tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã chủ trì cuộc họp thẩm định quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp thẩm định quy hoạch tỉnh Thanh Hóa vào tuần trước

Khẳng định công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trong đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, tùng vùng, tùng địa phương nói riêng, Bộ trưởng ví công tác quy hoạch như là một người công binh mở đường.

“Nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Dự kiến trong tuần này, Hội thảo lấy ý kiến quy hoạch tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ tiếp tục được tổ chức.

Liên quan đến công tác lập quy hoạch, Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng đã chỉ ra 9 kết quả đạt được của việc thực hiện Luật Quy hoạch. Một trong số đó, rất quan trọng, đó là công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, đạt được kết quả bước đầu.

Cụ thể, trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.

Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông - vận tải, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp cũng đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai: 1 quy hoạch tỉnh đang trình phê duyệt; 5 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 14 quy hoạch ngành quốc gia, 18 quy hoạch tỉnh đã gửi lấy ý kiến và chuẩn bị thẩm định.

Theo Đoàn Giám sát của Quốc hội, về cơ bản, các nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt trong thời gian qua đã tuân thủ quy trình, thủ tục, nội dung quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Điều quan trọng là, với việc xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia như trên, số lượng quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh còn 111 quy hoạch, bao gồm: 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch không gian biển quốc gia, 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 39 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.

Như vậy, số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (giảm 97%). 

Cụ thể, quy hoạch ở cấp quốc gia giảm từ 270 xuống còn 41 quy hoạch; quy hoạch ở cấp vùng giảm từ 76 còn 6 quy hoạch; quy hoạch ở cấp tỉnh giảm từ 3.308 xuống còn 63 quy hoạch.

Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, hệ thống quy hoạch quốc gia với 111 quy hoạch, thay thế cho trên 3.600 quy hoạch trước đây, đã thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, có tầng bậc, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch từng bước khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết liên ngành, liên vùng và gắn kết giữa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng và cả nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư