Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Thực thi Luật Quy hoạch là cơ hội để xác lập mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước
Hà Nguyễn - 19/08/2021 17:49
 
Thực thi Luật Quy hoạch, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước và từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình triển khai Luật Quy hoạch - Ảnh VGP

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch, tổ chức sáng nay dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác lập quy hoạch, cũng như Luật Quy hoạch.

“Đây là bộ luật rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực thi Luật là cơ hội để chúng ta xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước, để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phân bổ lại các không gian phát triển đất nước và từng địa phương một cách bài bản, khoa học, từ đó mở ra các cơ hội và không gian phát triển mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, sau một thời gian triển khai Luật Quy hoạch, các kết quả bước đầu đã được ghi nhận.

Thứ nhất, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch.

Thứ hai, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu, hết sức quan trọng.

Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 20/38 quy hoạch ngành quốc gia, 01/06 quy hoạch vùng, 33/63 quy hoạch hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng với điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa cho cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cũng đã từng bước bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo nguyên tắc minh bạch, công khai.

Thứ tư, nội dung và chất lượng công tác quy hoạch sẽ được cải thiện đáng kể so với trước đây, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.

Tuy vậy, như Báo Đầu tư đã thông tin, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch vẫn còn những khó khăn, hạn chế.

Một trong số đó, chính là tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đã đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Việc phải lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, và lập đồng thời các quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia là một công việc rất khó. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ trưởng, không thể chờ quy hoạch cấp trên làm xong rồi mới làm, phải làm đồng thời, nếu không sẽ mất một cơ hội phát triển.

“Phải lập quy hoạch đồng thời, theo nguyên tắc đúng dần, khi nào quy hoạch cấp trên làm xong thì quy hoạch cấp dưới điều chỉnh, quy hoạch cấp trên cũng phải dựa vào quy hoạch cấp dưới”, Bộ trưởng nói.

Để làm đồng thời và thông suốt, thì theo Bộ trưởng, tới đây cần đẩy nhanh việc xây dựng khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, để các địa phương dựa vào đó chủ động xây dựng quy hoạch, mà không cần chờ quy hoạch cấp trên được phê duyệt.

“Chúng ta phải đổi mới tư duy trong việc lập quy hoạch, không còn cát cứ mà phải lồng ghép các quy hoạch lại với nhau. Công tác quy hoạch cần tầm nhìn mang tính chiến lược để bảo đảm có sức sống dài hạn và hiệu quả cho việc phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh mới của cả Việt Nam và quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch, Bộ trưởng nói, tới đây, phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030; đồng thời khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch…

Bộ trưởng đề nghị, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai quyết liệt việc tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thuộc thẩm quyền, trình phê duyệt trước 31/12/2022, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành tiến độ lập quy hoạch…

Theo Bộ trưởng, trong quá trình lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, giữa kiến thức, kinh nghiệm của cả cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

“Chúng ta vẫn nói nếu muốn đi nhanh thì phải chọn được con đường đúng. Đây chính là cơ hội xác lập lại con đường đúng để đi nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Luật Quy hoạch rất tiến bộ, không có chuyện xin dừng thi hành
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng trước các băn khoăn của phóng viên về Dự thảo "Nghị quyết thi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư