Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 09 năm 2024,
Sóc Trăng thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Văn Phúc - 19/09/2016 11:37
 
Là tỉnh nằm ở hạ lưu sông Hậu, thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Sóc Trăng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Những năm gần đây, tỉnh đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.
TIN LIÊN QUAN

Những niềm năng, thế mạnh chưa được khai thác

Nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh với cây trồng, vật nuôi chủ lực là: lúa, nuôi trồng thủy hải sản và cây ăn trái... Tỉnh có diện tích trồng lúa hàng năm trên 365.909 ha, sản lượng trên 2.250.000 tấn/năm; diện tích nuôi trồng thủy sản gần 65.000 ha, tổng sản lượng 178.600 tấn, trong đó, diện tích  nuôi tôm các loại 42.800 ha, với sản lượng 50.800 tấn. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu lớn nhất trong vùng ĐBSCL. Đặc biệt, với chiều dài bờ biển 72 km,  có 3 cửa sông lớn đổ ra biển là: Trần Đề, Định An, và Mỹ Thanh, Sóc Trăng có điều kiện phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển và điện gió, đây là lợi thế riêng có của Sóc Trăng so với các tỉnh trong vùng.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp nhà đầu tư Thái Lan tới tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Sóc Trăng. Ảnh: Nguyễn Trung
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp nhà đầu tư Thái Lan tới tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Sóc Trăng. Ảnh: Nguyễn Trung

Ngoài ra, Sóc Trăng còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với các loại hình du lịch đặc trưng là: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lễ hội. Trong đó, Lễ hội Ooc-om-boc và đua ghe Ngo của người Khmer Sóc Trăng, đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng thu hút đầu tư của tỉnh Sóc Trăng, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn khó khăn, nguyên nhân là do vị trí cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, cơ sở hạ tầng còn những hạn chế nhất định, nguồn nhân lực trình độ cao khan hiếm…

Nhằm khắc phục những hạn chế trong thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh qua việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, quan tâm công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, trong các năm qua, tỉnh đã thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Hiện nay, bộ thủ tục hành chính toàn tỉnh chỉ còn 1.500 thủ tục, giảm 188 thủ tục. Cơ chế “một cửa” đã được triển khai thực hiện tại các cấp trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 100%.

Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và sự nỗ lực của tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được cải thiện đáng kể. Tỉnh đã đầu tư hoàn thành khoảng 240 km đường giao thông đến trung tâm xã, đầu tư một số công trình có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của địa phương như: Đường tỉnh 940, Đường tỉnh 04, cầu Chợ Kinh, cảng sông Sóc Trăng…

Tỉnh cũng đã đào tạo nghề cho trên 100.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 39,10% năm 2012 lên 51% năm 2015, trong đó lao động qua đào tạo nghề tăng từ 34,1% lên 45%.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, như: hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và xúc tiến thương mại; tăng cường phổ biến thông tin cho doanh nghiệp; tăng cường họp mặt, đối thoại giữa các cơ quan với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong hoạt động; đưa vào vận hành Quỹ Bảo lãnh tín dụng; thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp, đưa vào hoạt động mô hình thí điểm ươm tạo doanh nghiệp, triển khai Chương trình Tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo... Tỉnh đã thành lập cơ quan chuyên trách công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư; triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ của Trung ương, tỉnh các tổ chức trong và ngoài nước…

Việc thực hiện những giải pháp nêu trên, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh  ngày càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển, điều này được thể hiện qua số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và làm ăn có hiệu quả ngày càng tăng.

Sự vào cuộc của các doanh nghiệp

Tính trong giai đoạn 2012- 2015, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 1.024 với tổng vốn đăng ký gần 4.512 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, tỉnh đã tiếp xúc, gặp gỡ và cung cấp thông tin cho 142 doanh nghiệp, nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 25 dự án, cấp 38 giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 3.273 tỷ đồng.

Tính từ  đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã tiếp 41 lượt nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương. Qua đó, đã có 9 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký trên 99 tỷ đồng và 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 516 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tư vấn hỗ trợ thủ tục đầu tư và đăng ký cho hơn 110 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như lập các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính Phủ. Theo Kế hoạch, tỉnh đã đặt ra chỉ  tiêu đến năm 2016, giảm thời gian kê khai nộp thuế còn không quá 119 giờ/năm; thời gian giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng còn 14 ngày; thời gian giải quyết thủ tục cấp đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản còn 14 ngày… Đến cuối năm 2020, giảm thời gian kê khai nộp thuế còn không quá 110 giờ/năm, thời gian giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng còn 12 ngày, thời gian giải quyết thủ tục cấp đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản còn 10 ngày, thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp dưới 33 ngày...

Để thực hiện Kế hoạch này, tỉnh đưa ra 4 nhóm giải pháp.

Nhóm thứ nhất, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nhóm thứ hai, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nhóm thứ ba, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhóm thứ tư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Cũng theo Kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, công việc cụ thể cho từng sở ngành đơn vị thực hiện, từng ngành, địa phương phải xây dựng chương trình kế hoạch hành động của mình để thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả, có báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao hàng quý, năm. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì tham mưu UBND tỉnh đôn đốc, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

Nhận xét về môi trường đầu tư của tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Cường, doanh nghiệp có Dự án Đầu tư Nhà máy điện gió tại tỉnh Sóc Trăng nói: “Trong quá trình khảo sát cũng như xúc tiến triển khai các thủ tục đầu tư tại tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi nhận thấy rằng các cơ quan chức năng đã phối hợp với nhau rất tốt, giải quyết kịp thời các thắc mắc, kiến nghị của nhà đầu tư. Đây là yếu tố rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa, giúp nhà đầu tư vững tâm hơn khi đầu tư vào địa bàn tỉnh”.

Nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh Sóc Trăng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện các công việc có liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.Cụ thể là:

Cung cấp thông tin, danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Phối hợp cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát thực tế địa điểm triển khai dự án.

Giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Lập hồ sơ trình quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy đăng ký thực hiện dự án.

Giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cung cấp các dịch vụ công có liên quan đến đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể ủy quyền cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp Sóc Trăng thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đến nộp và làm thủ tục tại các Sở ngành, địa phương trong tỉnh; tránh tình trạng nhà đầu tư phải tự liên hệ đến từng đơn vị, gây tốn kém chi phí và thời gian.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư