Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Sốc: Trùm cướp biển đang ngồi tù vẫn chỉ huy các vụ cướp táo tợn
PV - 11/10/2014 07:12
 
Băng cướp biển chuyên thực hiện các vụ cướp ở eo biển Malacca được cầm đầu bởi ông trùm đang ngồi tù.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cướp biển bán dầu của tàu Sunrise 689 cho ai?
Đông Nam Á: “Thánh địa” của hải tặc

Một trong những lần gần đây nhất lực lượng an ninh Đông Nam Á bắt giữ được cướp biển khu vực là hồi tháng 9/2011. Khi đó cảnh sát ở Aceh, Indonesia, cho biết đã tóm được bốn tên cướp biển tấn công tàu Singapore KM Galant hồi đầu tháng 9 khi tàu di chuyển ngoài khơi Aceh.

Sau khi tấn công tàu, bọn cướp biển bắt cóc máy trưởng Yayan Jauhari rồi trốn về nơi trú ẩn ở quận Bener Meriah, sau đó liên hệ nhà chức trách đòi tiền chuộc 77.000 USD.

Đến ngày 22/9, cảnh sát Indonesia đã bắt sống toàn bộ nhóm này với cả bốn tên đều là người bản xứ ở Đông Aceh. Chúng là thành viên một băng đảng tội phạm có tổ chức, chuyên thực hiện các vụ cướp ở eo biển Malacca. Kẻ cầm đầu băng nhóm này là một ông trùm đang ngồi tù tại nhà ngục Tanjung Gusta ở bắc Sumatra.

Theo Cục Hàng hải quốc tế (IMB) và Tổ chức chống cướp biển châu Á (ReCAAP), sau khi áp sát tàu nhiều giờ, chúng dùng vũ khí khống chế lái tàu và các thủy thủ, đồng thời nhanh chóng phá hủy các thiết bị trên tàu, trong đó có hệ thống định vị và phương tiện thông tin liên lạc của tàu.

Với mỗi vụ tấn công, ông trùm  nhận 30% giá trị hàng hóa bán được. Các tên cướp biển chia 60% và 10% còn lại được hiến tặng cho các trại trẻ mồ côi trong vùng. Nhưng đó chỉ là một trong số rất nhiều băng đảng đang kiếm chác lớn trên eo biển Malacca và eo biển Singapore.

Trong năm 2013 và 2014, lực lượng an ninh các nước Đông Nam Á hầu như không bắt được tên cướp biển nào. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế đã xác định được mô hình tổ chức tội phạm của bọn chúng.

Thông tin tình báo

Theo các chuyên gia Cục Hàng hải quốc tế và Tổ chức chống cướp biển châu Á, cướp biển ở Malacca và eo biển Singapore là loại tội phạm có tổ chức cao. Chúng tấn công tại các khu vực tàu bè đi qua đông đúc nhất, chỉ nhắm lấy những loại hàng hóa đặc thù như nhiên liệu lỏng thay vì đánh cướp tất cả các loại hàng.

Điều đó có nghĩa chúng phải có thông tin tình báo về các con tàu và phải tìm khách mua hàng từ trước, thường là khách hàng quốc tế có sẵn nhiều tiền mặt.

  Sốc: Trùm cướp biển đang ngồi tù vẫn chỉ huy các vụ cướp táo tợn  
  Bọn cướp biển ở eo biển Malacca  

Chúng cũng phải đầu tư lớn như mua tàu chở dầu riêng để chở hàng hóa đánh cướp được. "Rõ ràng đây là bọn tội phạm có tổ chức và có mối quan hệ làm ăn quốc tế", CBC dẫn lời Michael McNicholas thuộc Hãng an ninh hàng hải Phoenix Group, nói. "Chúng chuyển dầu lên bờ và tìm các nhà máy lọc dầu sẵn sàng làm ăn phi pháp".

Chuyên gia Gerry Northwood thuộc Hãng an ninh GoAGT cho biết, cướp biển Đông Nam Á đã học hỏi kinh nghiệm hoạt động của hải tặc Nigeria.

Trong những năm gần đây, cướp biển Nigeria liên tục tấn công các tàu chở nhiên liệu tại Tây Phi và ăn cướp dầu. Ông mô tả các vụ tấn công này có tính tổ chức rất cao. Và giờ cướp biển Đông Nam Á cũng đang hành động tương tự.

Trong một số vụ cướp, hải tặc Đông Nam Á lấy được số hàng trị giá lên đến hàng triệu USD. Giới phân tích khẳng định các nhóm cướp biển khu vực phải nhận được thông tin tình báo và tiền tài trợ từ các băng đảng tội phạm ở Singapore và Indonesia thì mới có thể thực hiện những vụ tấn công tầm cỡ như thế.

"Chúng thực hiện nhiều cuộc giao dịch để dễ dàng kiếm được khách hàng từ trước khi có hàng", CNBC dẫn lời chuyên gia Derek Baldwin thuộc Tổ chức IBIS Risk Management Services, đánh giá. "Nếu tôi biết bạn mua dầu và đã làm ăn với nhau từ trước, tôi sẽ gọi điện cho bạn và nói: Anh có cần mua dầu không, khoảng 10.000 gallon (37.850 lít). Tôi lấy không được nên sẽ bán với giá rất hời".

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư