Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Soi lại lời hứa của các “tư lệnh ngành”
Mạnh Bôn - 12/06/2015 15:48
 
Hôm nay (12/6), Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ - phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Mặc dù còn gần 1 năm nữa, các thành viên Chính phủ mới kết thúc nhiệm kỳ, nhưng dựa vào những lời hứa của các bộ trưởng tại phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIII, cử tri đã có thể “chấm điểm” cho từng thành viên Chính phủ.

Không hiểu vô tình hay hữu ý mà thành viên Chính phủ khóa XIII thực hiện chất vấn đầu tiên (ngày 23/11/2011) lại là Bộ trưởng Đinh La Thăng - người mới đảm nhận cương vị “tư lệnh” ngành giao thông - vận tải vỏn vẹn 3 tháng 20 ngày và trước đó chưa một ngày làm trong lĩnh vực này.

“Hành động ngay”, ông Thăng đã hứa như vậy trước Quốc hội tại phiên chất vấn đầu tiên. Gần 4 năm kể từ ngày ông Thăng hứa, nhìn lại, thấy vị tư lệnh ngành này không hứa suông vì ông “là bộ trưởng của hành động” như nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội. Cũng ngần ấy thời gian, kể từ khi “lĩnh ấn” làm tư lệnh ngành giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông đang được nâng cấp, mở rộng.

 

Với tư cách là Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ trưởng Thăng đã thực thi khá nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tai nạn, chống ùn tắc giao thông, xử lý mạnh tay xe chở quá tải trọng, góp phần kiềm chế và giảm tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10% như ông đã hứa với cử tri, với Quốc hội.

Riêng ông Nguyễn Văn Bình “tiếp quản” ghế Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm chỉ số lạm phát lên tới 18,58%; lãi suất huy động phổ biến 15-18%/năm, lãi suất cho vay ở mức không doanh nghiệp nào có thể chịu đựng nổi (19-22%/năm), vốn ngân hàng “dồn” cho bất động sản và chứng khoán; nợ xấu cao chót vót; giá vàng tăng từng ngày và luôn chênh với giá vàng thế giới 5-8 triệu đồng/lượng; còn hệ thống ngân hàng cổ phần được mô tả: 8 ngân hàng lành mạnh, 8 ngân hàng trung bình, còn lại 21 ngân hàng yếu kém... Có thể nói, thời điểm ông Bình nhậm chức Thống đốc, thị trường tiền tệ, hệ thống ngân hàng gặp vô cùng khó khăn. Mặc dù vậy, lần nào được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn, ông vẫn hứa trong nhiệm kỳ của mình sẽ lập lại trật tự, trả lại vốn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng,

Cũng như Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình là người rất chịu khó đi thực tế. Qua thực tế, ông đã kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp để thực hiện lời hứa của mình. Kết quả là, lạm phát đã được đẩy lùi, mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay giảm, tiền ngân hàng đến nhiều hơn với khu vực sản xuất, hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn…

Ông Bình ấp ủ, vào năm 2020, Việt Nam sẽ có 4 ngân hàng đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với với các nước trong khu vực. Để làm được điều này, vị tư lệnh ngành ngân hàng đã mạnh dạn tái cấu trúc hệ thống bằng nhiều biện pháp, như mở đường cho các ngân hàng tự nguyện sáp nhập, thậm chí sẵn sàng can thiệp mạnh tay như “quốc hữu hóa” Oceanbank, VNCB bằng việc mua lại 2 nhà băng này với giá 0 đồng theo đúng cách mà ông hứa trước Quốc hội: “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giống như phun thuốc trừ sâu, làm sao lúa lên xanh tốt mà vẫn diệt được cỏ”. Hơn 4 năm kiểm lại lời hứa, nhiều đại biểu Quốc hội thừa nhận, Thống đốc Nguyễn Văn Bình là người giữ đúng lời hứa.

Có lẽ “tư lệnh” lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người “may mắn” nhất trong số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII vì ông được tham gia chất vấn cả phiên đầu tiên lẫn phiên cuối cùng. Đầu nhiệm kỳ, ông hứa trước Quốc hội sẽ giữ bằng được 3,8 triệu ha đất trồng lúa; tăng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phát triển bền vững…

Điểm lại nhiệm kỳ thứ 2 của Bộ trưởng Cao Đức Phát, dù khắt khe, nhưng cử tri và đại biểu Quốc hội cũng phải thừa nhận rằng, ông đã giữ đúng lời hứa, bộ mặt nông thôn đang thay đổi nhờ Chương trình Nông thôn mới và nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng mặc dù 5 tháng đầu năm nay có chậm lại.

Nhìn lại gần một nhiệm kỳ, có thể thấy, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, văn hóa, xã hội, thông tin, truyền thông… đã và đang phát triển cho dù còn nhiều khó khăn. Thành quả này không phải của riêng bộ trưởng nào, mà là của cả tập thể gồm các tư lệnh ngành – các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII đã dám hứa, dám làm và giữ đúng lời hứa với Quốc hội, với cử tri.

Dành 2,5 ngày chất vấn những vấn đề nóng bỏng
Sáng nay (20/5/2015), kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư