Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
"Nỗi lo nhất, cái khó nhất" của Bộ trưởng Cao Đức Phát
Quang Hưng - 11/06/2015 10:03
 
Đã có hơn 20 câu hỏi của 11 đại biểu Quốc hội trực tiếp gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong phần đầu phiên chất vấn sáng nay (11/6) tại Hội trưởng Quốc hội về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trả lời các câu hỏi khó của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, “cái khó lớn nhất là chế biến, còn nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Nông nghiệp là tiêu thụ nông sản”.
.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: Đức Thanh

 

“Mở hàng” phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) đặt câu hỏi: Với trách nhiệm của mình, đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã ký kết hàng hoạt hiệp kinh tế; giải pháp nào có tính khả thi trong việc nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chế biến nông sản thực phẩm hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) bức xúc: Hiện nay, quá nhiều sản phẩm phụ thuộc vào thương lái. Ví dụ điển hình là việc ngư dân trước khi ra khơi phải vay tiền của các đầu nậu để mua nguyên liệu, vật tư nên khi có sản phẩm phải bán cho các đầu nậu dẫn đến việc bị ép giá. Cây trồng, vật nuôi chạy theo nhu cầu trước mắt, không có kế hoạch dài hạn dẫn đến việc có lúc chặt điều trồng cao su, rồi chặt cao su trồng cà phê, sau đó lại chặt cà phê trồng hồ tiêu… trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?

Đại biểu Mã Điền Cư (tỉnh Quảng Ngãi) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề xây dựng cảng cá, bến cá chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Việc thành lập, quản lý các tổ, đội quản lý ở các địa phương thiếu đồng bộ. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề quản lý nhà nước về vấn đề này như thế nào? Cụ thể, với dự án vũng neo đậu tàu thuyền huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong việc thực hiện dự án này?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt câu hỏi về việc liên kết 4 nhà nhưng không thành công công. Trong 4 nhà, nhà nào là trụ cột, nhà nào là nhạc trưởng? Đại biểu Tuyết cũng yêu cầu Bộ trưởng giải thích về tình trạng: Trong khi dự báo của các nhà khoa học thì sản lượng khai thác hải sản ngoài khơi xa của Việt Nam là 1,1 triệu tấn/năm, sản lượng khai thác gần bờ là 600.000 tấn/năm nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) yêu cầu: Với góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đâu là khâu yếu nhất ảnh hưởng đến phát triển bền vững của ngành nông nghiệp? Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào về vấn đề này?...

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Cao Đức Phát thú nhận: “Là người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nỗi lo lớn nhất của tôi là vấn đề tiêu thụ nông sản cho bà con và cái khó lớn nhất là chế biến nông sản. Nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn”.

Về câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) – làm gì để ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn: “Chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu sắc với kinh tế thế giới nên phải định hướng phù hợp với thị trường nông sản thế giới. Thị trường luôn thay đổi, để đạt được sự ổn định tương đối có nghĩa rằng chúng ta phải làm cho nền nông nghiệp nước ta bám sát và phản ứng nhanh nhạy với thị trường trong nước và quốc tế. Chúng ta không thể kỳ vọng có 1 thị trường luôn ổn định, giá cao dành cho các sản phẩm của nông nghiệp”.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, kinh nghiệm thích ứng thị trường, cách tốt nhất là lựa chọn và phát huy lợi thế của nước chúng ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn để hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn, bán được nhiều hơn với giá có lợi cho nông dân.

“Trong nước chúng ta vẫn tiếp tục hỗ trợ nông dân nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, đặc biệt những khi thị trường biến động bất lợi; Tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp tiêu thụ nông sản có hiệu quả, hỗ trợ bà con nông dân duy trì giá không bị giảm quá sâu để rồi thua lỗ và thực hiện được những giải pháp có thể giảm thiểu những tổn thất như: Vay vốn để vượt qua khó khăn, đặc biệt là giúp cho nông dân sản xuất các loại nguyên liệu tốt nhưng khâu chế biến yếu. Trong giai đoạn tới ngoài việc giúp bà con nông dân nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm cần tập trung vào khâu bảo quản, chế biến sản phẩm. Đó là giải pháp ứng phó với thị trường biến đổi”.

Về việc ứng dụng khoa học vào bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể v à đề án của từng chuyên ngành.

“Bộ đang nỗ lực giúp đỡ các cơ quan nghiên cứu khoa học hỗ trợ bà con nông dân thì cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản, chế biến nông sản ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường. Kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Còn với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) về vấn đề tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, Bộ trường Cao Đức Phát cho biết, giải pháp chính là Nhà nước cho ngư dân vay vốn để ra khởi sản xuất. Khi ngư dân chủ động được vốn từ nguồn của nhà nước thì không phụ thuộc vào v ật tư, lương thực thực phẩm vào thương lái và không bị thương lái ép giá. Qua thời gian đầu thực hiện chương trình, đến nay, nhiều ngư dân đã được vay vốn với số lượng ban đầu mà bộ tổng hợp được là 23 tỷ đồng. Đồng thời hình thành những tổ đội sản xuất, hệ thống dịch vụ hậu cần để trực tiếp thu mua sản phẩm ngư dân đưa về bờ.

Về vấn đề nông dân thiếu liên kết, nông nghiệp được mùa mất giá, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ và chính quyền các cấp hướng dẫn nông dân hướng sản xuất, cây trồng vật nuôi có thị trường, tiêu thụ tốt hơn. Hỗ trợ nông dân kỹ thuật, vốn để sản xuất các sản phẩm năng suất cao hơn, giá thành hạ hơn. Đồng thời phát triển mạnh hơn các tổ hợp tác, các hợp tác xã và các doanh nghiệp. Chỉ khi phát triển theo chuỗi như vậy với sự gắn kết thì sự tự phát sẽ được hạn chế, hiệu quả ổn định hơn.

Về Nghị định 67 của Chính phủ trong việc đầu tư xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng dẫn các địa phương đăng ký yêu cầu đầu tư các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và có hơn 200 cảng được đăng ký xây dựng và hơn 100 khu neo đậu tàu thuyền. Đã thực hiện được hơn 80 cảng và 65 khu neo đậu tàu thuyền. Riêng với khu neo đậu của Lý Sơn, Bộ đang cố gắng đang thực hiện huy động tổng hợp nguồn vốn để thực hiện dự án này theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề tiêu thụ nông sản, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tình hình không “tối” đến mức như phản ánh của đại biểu. “Trước khi vào Quốc hội sáng nay, tôi gọi cho đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, đồng chí cho biết, lúa, trái cây tại Cần Thơ năm nay được mùa, được giá. Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, năm nay, nhiều loại trái cây được mùa, được giá. Mặt hàng lúa được mùa nhưng giá thấp vì giá thế giới liên tục giảm. Mặt hàng hồ tiêu được mùa, được giá. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, cứ 10 mặt hàng nông nghiệp thì có 5 mặt hàng được mùa, giảm giá, có 5 mặt hàng được mùa, được giá”.

Đã đến lúc chúng ta phải trả món nợ với ngành nông nghiệp
Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2014, những tháng đầu năm 2015, đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng), đã đến lúc, chúng ta phải trả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư