Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sợi Thế Kỷ chuyển thị trường mục tiêu
Hồng Phúc - 30/03/2017 09:36
 
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống phá giá, cơ cấu doanh thu của Sợi Thế Kỷ (STK) có biến động lớn. Lợi nhuận sau thuế STK chỉ đạt 28.6 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 127.1 tỷ đồng, giảm 60% so với 2015. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của công ty trong các năm qua. Và từ 2017, Sợi Thế Kỷ tập trung vào 4 thị trường quan trọng là Nhật Bản, Hàn Quốc,Thái Lan và nội địa thay vào vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong buổi họp ĐHĐCĐ thường niên của Sợi Thế Kỷ vừa diễn ra, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, năm 2016, nhu cầu thị trường sợi toàn cầu bất ổn và thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ khó khăn dẫn đến sản lượng bán ra thấp hơn so với sản lượng sản xuất. Năng lực sản xuất năm 2016 là 47 nghìn tấn, năng suất khai thác chỉ đạt 89.51% trong khi năng suất chuẩn là 93%. Vì vậy, sản lượng sản xuất thực tế chỉ có 42.068 tấn và bán ra 41.217 tấn.

Nhìn chung, sản lượng của công ty giảm 9% trong khi doanh thu lại giảm đến 17% (đạt 1.358 tỷ đồng, mục tiêu 1.645 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 28.6 tỷ đồng.

Toàn cảnh đại hội cổ đông Sợi Thế Kỷ sáng 28/03.
Toàn cảnh đại hội cổ đông Sợi Thế Kỷ sáng 28/03.

“Với Thổ Nhĩ Kỳ đó là câu chuyện rất vô lý khi họ ăn hiếp các doanh nghiệp Việt Nam. Họ cho rằng chúng ta là nền kinh tế phi thị trường nên tự áp thuế chống phá giá. Chúng tôi phải thuê luật sư gần 80.000 USD nhưng cũng không hiệu quả. Còn với Nhật Bản, Hàn Quốc lại khác. Họ công nhận mình là nền kinh tế thị trường và đã kí kết các Hiệp định thương mại tự do”, ông Đặng Triệu Hòa nói.

Do đó, ông kỳ vọng rất nhiều vào 2017 với việc thay đổi thị trường mục tiêu với 87 khách hàng mới. Quý I/2017, nhà máy Trảng Bàng giai đoạn 4 sẽ được đưa vào hoạt động, nâng tổng công suất toàn công ty lên 60.000 tấn/năm trong đó sợi xơ dài là 51.500 tấn và sợi kéo duỗi là 8.500 tấn. Với thị trường Nhật Bản, STK sẽ cung cấp 1.000 tấn/tháng; 1.000- 1.400 tấn/ tháng cho thị trường Hàn Quốc; 200-500 tấn/ tháng tại Thái Lan; 3.000-3.200 tấn/ tháng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Sợi Thế Kỷ đã làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản 2 năm nay nhưng ông Hòa cho rằng, họ là các đối tác rất khó tính. Sang thăm, tìm hiểu Sợi Thế Kỷ vài chục lần rồi mới cân nhắc có kí kết hay không. Trước đây là thời gian để 2 bên tìm hiểu, năm 2017 sẽ diễn ra các giao dịch chính thức của Sợi Thế Kỷ với các doanh nghiệp đến từ xứ sở anh đào.

Ngoài ra, Sợi Thế Kỷ đang có 2 dự án đầu tư mới. Thứ nhất là hợp tác với E.DYE Limited (một nhà cung ứng chính cho các thương hiệu thể thao lớn trên thế giới) để thành lập Công ty liên doanh – Công ty Cổ phần E.DYE Việt Nam làm dự án sợi màu. Vốn đầu tư 10 triệu USD, trong đó vốn chủ sở hữu 34%, vốn vay 66%. Tỷ lệ góp vốn của STK là 36%. Dự án này đầu tư dựa trên nền tảng thiết bị có sẵn của công ty, như vậy sản phẩm sẽ chuyển từ sợi trắng sang sợi màu, đáp ứng thêm nhu cầu của thị trường mà Sợi Thế Kỷ không mất nhiều chi phí. Thứ hai, Dự án sợi chập hợp tác với đối tác chiến lược nước ngoài thông qua công ty con của STK là công ty UNITEX. Dự án sử dụng nguồn nguyên liệu là sợi tái chế được sản xuất và cung cấp bởi STK. Dự án sẽ được triển khai trong năm 2017. Phương án góp vốn đang được các bên thảo luận.

STK kỳ vọng rất nhiều vào 2017 với việc thay đổi thị trường mục tiêu với 87 khách hàng mới.

Và dù Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có sự tham gia của Hoa Kỳ nhưng các nhà máy dệt nhuộm đã đầu tư vào Việt Nam từ các năm trước phải tiếp tục hoạt động và đây là nơi tiêu thụ các sản phẩm của STK.

Đối với sợ dài, đại diện này tự tin, nếu so sánh với các doanh nghiệp Việt Nam thì Sợi Thế Kỷ đang là số 1 từ sản lượng đến chất lượng cũng như giá. Còn với các doanh nghiệp FDI, họ đứng cùng hàng với Formosa. “STK có lợi thế hơn về khả năng linh động trong các hoạt động kinh doanh còn Formosa sở hữu lợi thế về tên tuổi. Và chúng tôi có thể cạnh tranh với các đối thủ mới vào Việt Nam như 2 dự án đầu tư vào sợi của Đài Loan và Trung Quốc năm vừa rồi và chúng tôi không e ngại bất kỳ điều gì”, ông Hòa nói.

Đại diện này cho biết thêm, họ chưa có ý định phát hành thêm cổ phiếu cũng như huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. 2017 là năm Sợi Thế Kỷ thu tiền từ các dự án đã đầu tư, chứ không phải cần vốn để xây dựng nhà máy mới.

Đại hội cũng đã thông qua kế hoạch năm 2017 với doanh thu hơn 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 87,14 tỷ đồng.

Kế hoạch này được đặt ra dựa trên cơ sở, giá bán sản phẩm bình quân tăng 4,1%, giá nhập chip tăng khoảng 5,5% so với năm 2016. Một số chi phí dự kiến tăng như tiền điện tăng 3%, khấu hao tăng 18,7%, tiền lương tăng 5%. Ngoài ra, Sợi Thế Kỷ dự báo VNĐ mất giá khoảng 2% so với USD trong năm 2017, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 5% so dự án Thái Bình được hưởng thuế suất ưu đãi.

Năm nay, HĐQT đã  phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 15% (3% bằng tiền và 12% cổ phiếu). Theo tỷ lệ này, cổ phiếu phát hành dự kiến là hơn 6,4 triệu cổ phần. Đơn vị này cũng đa bổ sung tờ trình cổ đông về phương án phát hành 600.000 cổ phần ESOP trong năm 2017 với giá bán 15.000 đồng/CP, sau phát hành, vốn điều lệ công ty đạt 605,4 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý I/2017


Quý I/2017

Quý I/2016

Tăng trưởng (%)

Doanh số (tấn)

11,523

8,141

54

Doanh thu (tỷ VNĐ)

444,5

262,3

69

Lợi nhuận trước thuế (tỷ VNĐ)

23,1

3,3

591%

Vinatex đổ gần 3.500 tỷ đồng đầu tư vào ngành sợi và dệt nhuộm
Các dự án đầu tư trong ngành sợi và dệt nhuộm được Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đặc biệt ưu tiên để gia tăng nguồn cung nguyên liệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư