Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Sóng công nghiệp 4.0 tràn đến từng ngõ ngách
Khánh An - 02/05/2017 07:09
 
Không có gì ngăn cản người Việt, doanh nghiệp Việt nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những cơ hội được coi là vượt qua mọi logic. Nhưng, cũng không lỗi thời khi nhắc lại câu nói kinh điển, cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự chuyển thành sức mạnh trên thị trường.

1.

Sóc Trăng là một tỉnh đang nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, tỷ lệ không hề nhỏ, cũng không phải là một địa điểm đầu tư hay được nhắc tới, nhưng một doanh nghiệp ở đây đã đưa robot vào dây chuyền sản xuất bánh pía – một loại bánh đặc sản của Sóc Trăng. Một chuỗi sự việc dường như rất phi logic.

Bà Mã Thị Thanh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng kể, doanh nghiệp này đầu tư công nghệ của Đức, đang xuất khẩu tới 12 thị trường trên thế giới.

Các mô hình kinh doanh vận tải mới như Uber, Grab... buộc  doanh nghiệp taxi truyền thống phải cạnh tranh thực chất hơn. Ảnh: Đức Thanh
Các mô hình kinh doanh vận tải mới như Uber, Grab... buộc doanh nghiệp taxi truyền thống phải cạnh tranh thực chất hơn. Ảnh: Đức Thanh

“Họ nói với tôi, robot giúp họ giải bài toán lâu nay về chất lượng sản phẩm và lao động. Robot bây giờ không chỉ làm những công việc lắp ráp, khoan đục thông thường mà có thể làm nhiều việc hơn, kiểm soát chất lượng tốt hơn rất nhiều”, bà Thanh chia sẻ thông tin. Điều quan trọng, theo bà Thanh, bài toán chi phí – doanh thu ở doanh nghiệp này là dương.

Rõ ràng, ở góc độ kinh doanh, mọi tính toán đều rất logic. Giá của robot thông minh đang rẻ đi. Ngay cả giá chiếc máy in 3D “thần thánh” cũng đã giảm từ 18.000 USD xuống còn khoảng 400 USD trong vòng 10 năm trong khi tốc độ in đã nhanh hơn 100 lần. Các công ty giày lớn trên thế giới đã bắt đầu sản xuất giày bằng máy in 3D. Một vài doanh nghiệp Việt Nam, lớn có, nhỏ có, đã bắt đầu những thử nghiệm đầu tiên. Đúng là không có giới hạn nào trong cuộc chơi này.

“Tôi tin là không doanh nghiệp Việt Nam nào muốn bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này cả, nhất là khi tốc độ và sức sáng tạo, chứ không phải quy mô quyết định người chiến thắng”, ông Lê Chí Dũng, Giám đốc Sáng tạo, Viện Nghiên cứu Ứng dụng của Tập đoàn Công nghệ CMC nhận định.

Thậm chí, doanh nghiệp Việt còn tin có thể bứt phá được nhờ sản xuất tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng cao hơn, an toàn hơn, bảo vệ môi trường hơn… nhờ lợi thế về khả năng thích ứng với biến đổi của thị trường vô cùng nổi trội.

2.

Trong năm học 2016-2017, học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) đã bắt đầu được học môn về kinh tế doanh nghiệp. Việc dạy học sinh làm quen với kinh doanh không phải là việc mới. Học sinh từ lớp 4 đến lớp 8 của Trường cũng đã được học quản lý tài chính cá nhân nhiều năm nay.

Nhưng, theo bà Lê Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Trường Phổ thông liên cấp Olympia, mục tiêu của môn học này không đơn giản chỉ là dạy kinh doanh hay hướng nghiệp. “Chúng tôi muốn học sinh  - chính là công dân của kỷ nguyên 4.0, nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng cộng đồng vững mạnh. Kỷ nguyên 4.0 đang thay đổi những quan niệm tưởng như đã định hình như hệ thống sản xuất ổn định, quản trị doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng, đòi hỏi con người phải sáng tạo, học hỏi cả đời… nhưng cái gốc là tính nhân văn trong phát triển  không thay đổi”, bà Lan lý giải.

Logic của cách mạng công nghiệp 4.0 khác hẳn với các cuộc cách mạng trước. Đó là sự thay đổi về phương thức sống, giao tiếp và công cụ sản xuất...

Thay đổi triết lý giáo dục là điều mà ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhiều lần nhắc tới khi bàn về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Ông sốt ruột vì các nghiên cứu dự báo 47% việc làm ở Mỹ có thể bị đe dọa mất việc; một danh sách dài các nghề có thể không cần người làm như kế toán, bán hàng, công nhân lắp ráp… do ứng dụng công nghệ, trong khi tỷ lệ cử nhân tốt nghiệp bị thất nghiệp của Việt Nam tăng, trường đại học Việt Nam vắng mặt trong bảng xếp hạng của khu vực...

“Chúng ta phải nhìn vào xu hướng này để hành động. Tôi tin là đầu tư vào con người vào giáo dục là yếu tố quan trọng để Việt Nam không lỗi hẹn trong kỷ nguyên 4.0. Hãy chấp nhận thay đổi triết lý giáo dục, khuyến khích học sinh dám sáng tạo, dám thay đổi, dám làm, dám chịu… Người lao động phải chấp nhận sẽ không có nghề nghiệp ổn định cả đời, nhưng việc gì cũng phải làm với trách nhiệm cao nhất”, ông Doanh khuyến nghị.

3.

Trở lại câu chuyện của doanh nghiệp sản xuất bánh pía đầu tư robot ở Sóc Trăng, dù là đi đúng xu thế, nhưng doanh nghiệp này lại không muốn lộ danh tính. Một động thái có lẽ không hợp thời, không hợp logic.

Nhưng, với TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự e ngại của doanh nghiệp cũng không phải quá khó hiểu. Họ sợ bị để ý.

“Logic của cách mạng công nghiệp 4.0 khác hẳn với các cuộc cách mạng trước. Đó là sự thay đổi về phương thức sống, giao tiếp và công cụ sản xuất. Có ai nghĩ sẽ đến lúc robot cạnh tranh với chính con người cả trong công việc và trí tuệ. Chúng ta cần có hệ tri thức mới nếu không muốn lỡ tàu cơ hội một lần nữa”, ông Thiên thẳng thắn.

Lần trước, trong câu nói của ông Thiên, đó là sự chậm trễ trong phát triển kinh tế tri thức mà Việt Nam dường như cũng là một trong những nền kinh tế đi đầu trong thảo luận, nghiên cứu. Năm 1996, các cuộc hội thảo về triển vọng của kinh tế Việt Nam và nền kinh tế tri thức được tổ chức rầm rộ. “Chúng ta có 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, nhưng đến giờ vẫn chưa thực sự phát triển. Người nông dân vẫn cứ trồng rồi chặt, lại trồng…”, ông Thiên nói.

Lần này, sự xuất hiện của Uber, Grab hay việc kinh doanh trên Facebook và các mạng xã hội đã khiến cả doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách lúng túng. Mất vài năm, Uber mới có được cơ hội thí điểm tại Việt Nam với một số điều kiện nhất định, nhưng tương lai của các hình thức kinh doanh này vẫn khá bấp bênh.

Ông Vũ Tú Thành, chuyên gia của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, các điều kiện kinh doanh trong vận tải hành khách mục đích là đảm bảo quyền lợi cho hành khách (về an toàn, chi phí, quyền được đi lại thuận tiện…), lái xe, doanh nghiệp taxi và yêu cầu quản lý nhà nước.

Nhưng, với việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ và các mô hình kinh doanh mới như Uber, Grab, Vivu (trước đây là Facecar), các quyền lợi nói trên của khách hàng không những được đảm bảo mà còn được đảm bảo tốt hơn nhiều so với mô hình kinh doanh cũ. Việc cạnh tranh cũng sẽ làm cho các doanh nghiệp taxi truyền thống buộc phải thay đổi thực sự.

“Cơ quan quản lý có thể cân nhắc việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi”, ông Thành đề xuất. Nghĩa là bỏ điều kiện về niên hạn, miễn là xe được đăng kiểm chứng nhận đủ điều kiện tham gia giao thông, không phân biệt xe kinh doanh hay không kinh doanh; bỏ quy định về đồng hồ tính tiền vì hiện có nhiều phương pháp tính cước hợp lý mà không dùng đồng hồ gắn trên xe)... Bỏ được điều kiện này còn giúp bỏ thêm được thủ tục và chi phí kiểm định đồng hồ tính tiền, sơn biểu trưng logo (mào), trung tâm điều hành, số lượng xe tối thiểu…

Nhưng, đây thực sự là bài toàn khó vì cùng với nới lỏng điều kiện phải là các cơ chế quản lý nhà nước tương thích. Nhưng, phải có những cách tiếp cận mang tính đột phá, thậm chí là cách mạng trong công tác quản lý nhà nước mới có thể hy vọng khai thác được tiềm năng của các mô hình kinh doanh mới và sáng tạo và rộng hơn trong kỷ nguyên 4.0. Đây đang là đầu bài giới chuyên gia đang đặt ra cho quản lý nhà nước.

Thậm chí, ông Thiên còn nhắc lại những lần lỡ nhịp, những lần hào hứng đón đầu rồi dừng lại, để nói rằng, cơ hội từ cách mạng 4.0 nhiều, nhưng cũng như WTO, đưa cơ hội về càng nhiều thì lại đặt đất nước vào thách thức càng lớn.

GS Chu Hảo: Công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội hơn là nguy cơ cho Việt Nam
Theo GS-TSKH Chu Hảo, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng khoa học - công nghệ và giáo dục phải thực sự quyết tâm, thực sự hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư