Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
“Sống” qua Covid-19, doanh nghiệp lại khó “thọ” vì cơ quan công quyền - Bài 2: Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp hoang mang
Ngô Nguyên - 24/03/2022 11:38
 
Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn khẳng định, doanh nghiệp sẽ chấp hành đúng thủ tục về đất công, nhưng chính quyền cần hướng dẫn doanh nghiệp cụ thể, đừng quy định “chung chung”, “đánh đố” doanh nghiệp.
Từ năm 2014, khi chính quyền TP.HCM “trải thảm đỏ”, cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lịch sử, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đã đổ tiền túi đầu tư gây dựng, đưa du khách về đây, tạo thành tour du lịch độc đáo nhất nhì TP.HCM. Tuy nhiên, mới đây, cơ quan quản lý lại thay đổi quan điểm, đẩy doanh nghiệp vào thế bĩ cực, sau khi vừa mới trải qua “cơn bão” Covid-19.
Trong khi cơ quan chức năng còn “tranh cãi”, thì thuyền của doanh nghiệp vẫn chưa thể xuất bến
Trong khi cơ quan chức năng còn “tranh cãi”, thì thuyền của doanh nghiệp vẫn chưa thể xuất bến.

Bài 2: Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp hoang mang

Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn khẳng định, doanh nghiệp sẽ chấp hành đúng thủ tục về đất công, nhưng chính quyền cần hướng dẫn doanh nghiệp cụ thể, đừng quy định “chung chung”, “đánh đố” doanh nghiệp.

Đầu tư để đáp ứng mong mỏi của TP.HCM

Tiếp tục làm rõ bức xúc của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn về việc mới đây chỉ được cấp phép cho thuyền hoạt động, nhưng… đóng bến, phóng viên Báo Đầu tư đã tìm hiểu và thấy rằng, căn nguyên của vấn đề bắt nguồn từ việc… thay đổi nhiệm vụ từ sở này sang sở kia.

Cụ thể, từ tháng 11/2018 trở về trước, công trình xây dựng  bến thuyền du lịch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM quản lý và cấp phép hoạt động.

Năm 2015, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã cấp Giấy phép thi công số 7577/GP-SGTVT cho Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn xây dựng bến thủy và công trình phụ trợ (quầy giải khát, quầy lưu niệm, nhà vệ sinh) phục vụ hành khách du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Chính quyền và cơ quan chức năng TP.HCM thay đổi quan điểm, từ chỗ không cần thủ tục, nay yêu cầu làm đúng thủ tục về đất công, doanh nghiệp cũng chấp hành, nhưng làm thủ tục về đất công là thuê đất, hay đấu giá quyền sử dụng đất, thì chính quyền phải hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Ở đây, chỉ nói chung chung là trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp phải tạm ngưng sử dụng khai thác các công trình trên bờ tại khu vực bến, không chỉ rõ thời hạn tạm ngưng là bao lâu. Như vậy khác nào đánh đố doanh nghiệp?

- Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn

Việc cấp phép trên căn cứ theo Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ban hành về quy định thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông báo số 472/TB-VB ngày 25/6/2017 của Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Hồng, cùng với sự chấp thuận các sở, ngành chuyên môn của TP.HCM.

Bởi vậy, ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn mới quyết định đổ tiền tỷ ra để đầu tư bến thuyền du lịch, để đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo UBND TP.HCM cũng như lãnh đạo các sở, ngành của TP.HCM lúc bấy giờ, là hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM, thể hiện sự thành công của TP.HCM sau hơn 10 năm và đầu tư 1.400 tỷ đồng để cải tạo dòng kênh “đen”, kênh “chết” trở thành dòng kênh xanh, “dòng kênh của tương lai”.

Từ khi các tàu thuyền du lịch của doanh nghiệp qua lại thường xuyên, tệ nạn ở khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè dần biến mất. Con đường dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đẹp như tranh, trở thành nơi để người dân tập thể dục, thư giãn...

Dòng kênh trở thành tour du lịch độc đáo thu hút khách nước ngoài đến mức, Đài truyền hình và hoa hậu Đài Loan từng đến làm phim quảng bá cho dòng kênh. Còn ông Phan Xuân Anh thì được ví là người biến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành một “Venice” cho TP.HCM.

Sở này chấp thuận, sở kia “đổi tông”

Ông Phan Xuân Anh cho biết, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn được cấp phép hoạt động (2 năm 1 lần) khi được Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM quản lý. Đến tháng 11/2018, chức năng quản lý các công trình xây dựng tương tự công trình của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn được chuyển cho Sở Xây dựng TP.HCM.

Tháng 4/2020, trong một báo cáo gửi UBND TP.HCM, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho hay, sau khi chuyển giao chức năng quản lý nhà nước (liên quan đến bến thuyền trên đất công viên), thì thẩm quyền xem xét hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng các công trình trên khu đất công viên cây xanh thuộc Sở Xây dựng TP.HCM.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP.HCM không đồng ý các kiến nghị (xây dựng nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh trên bến) của các nhà đầu tư.

Về quan điểm mình, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM căn cứ lưu lượng hành khách thông qua các bến nêu trên để tạo điều kiện cho Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn tồn tại và hoạt động các nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng trên bờ, đảm bảo phục vụ du khách chờ tàu tại bến.

Đề nghị này của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM căn cứ theo Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND, ngày 18/4/2017 của UBND TP.HCM về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng, thuộc địa bàn TP.HCM. Cụ thể, trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch được xây dựng các công trình nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe của các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách công cộng, du lịch đường thủy với mục đích kinh doanh, có quy mô một tầng, kết cấu vật liệu nhẹ.

Mặt khác, việc đầu tư các công trình phụ trợ (nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng…) tại các bến thủy nội địa Nhiêu Lộc - Thị Nghè để nâng cao hiệu quả, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách là cần thiết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một cán bộ của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, quan điểm của Sở là luôn luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn hoạt động du lịch trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vì đây là sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo đã định hình được thương hiệu ở TP.HCM.

Hơn thế, việc đầu tư bằng hình thức xã hội hóa sẽ tiết kiệm được ngân sách nhà nước, tăng cường sự kết nối với hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường thủy của TP.HCM.

Không riêng Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, vào tháng 4/2020, đại diện UBND quận 1 và UBND quận 3 đều thống nhất với kiến nghị của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn là phải đầu tư nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng… tại các bến thuyền.

Đặc biệt, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cũng khẳng định: “Công trình thuộc hành lang bảo vệ trên bờ có thời hạn sử dụng từ 30 ngày trở lên cần trình UBND Thành phố chấp thuận bản vẽ, phương án kiến trúc công trình”. Theo Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, các công trình thuộc hành lang trên sông, kênh, rạch như nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe… phục vụ du lịch đường thủy có quy mô không vượt quá 1 tầng và sử dụng kết cấu vật liệu nhẹ.

Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cũng đồng quan điểm, cho rằng việc đầu tư xây dựng công trình trên bờ tại bến thủy nội địa là cần thiết để phục vụ phát triển du lịch đường thủy. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có ý kiến, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm làm cơ sở thực hiện các thủ tục đất đai theo đúng quy định.

Sau “đá bóng”, thuyền của doanh nghiệp “lênh đênh”

Trước ý kiến của các sở ngành, tháng 5/2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã giao Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì phối hợp các sở, ngành và UBND các quận liên quan rà soát lại nhu cầu và quy mô sử dụng công trình trên bờ tại bến thủy nội địa Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Cầu Mống, để “trường hợp có nhu cầu thực sự cần thiết, thì chỉ chấp thuận lắp dựng nhà chờ và nhà vệ sinh để phục vụ du khách chờ tàu…”.

“Lệnh” của lãnh đạo TP.HCM rõ như vậy, nhưng tới tháng 7/2020, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM bất ngờ khi nhận được Công văn số 7490/SXD-HTKT của Sở Xây dựng TP.HCM, trong đó đính kèm dự thảo có nội dung kiến nghị UBND TP.HCM… giao ngược lại cho Sở Giao thông - Vận tải hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện xây dựng công trình trên bến.

Trước kiến nghị này của Sở Xây dựng TP.HCM, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM buộc phải có Văn bản số 8067/SGTVT-GTT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng “tiếp tục triển khai nhiệm vụ được giao”, bởi đây là chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Sở Xây dựng.

Với văn bản của Sở Giao thông - Vận tải, tới ngày 27/7/2020, Văn phòng UBND TP.HCM có Phiếu chuyển số 38235 chuyển công văn đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy định hiện hành.

Kết cục, sau những cú “chuyền bóng” của cơ quan chức năng, đến giờ này, sau 2 năm bị đại dịch Covid-19 làm tê liệt, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn nhận được 2 quyết định cho phép hoạt động trở lại 2 bến thủy nội địa đưa rước khách du lịch, nhưng “tạm ngưng sử dụng khai thác công trình trên bờ tại khu vực bến, trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền”.

Việc cơ quan chức năng cho thuyền chạy, nhưng… đóng bến đang đẩy doanh nghiệp vào thế khốn khó.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư