Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Sống sót nhờ công nghệ thông tin
Hữu Tuấn - 29/06/2013 22:35
 
Công nghệ thông tin không chỉ là nền tảng của sự phát triển mới, mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Vấn đề ở đây không còn là lợi nhuận, mà là sự sống còn dựa trên những giải pháp thông minh hơn, tinh xảo hơn.
TIN LIÊN QUAN

Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông 2013 (Vietnam ICT Summit) diễn ra tại Hà Nội vừa qua đã khép lại với thông điệp “Công nghệ thông tin - nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Diễn thảo luận về phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào 4 trụ cột cơ bản trong hệ thống tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, bao gồm xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia; cải cách thể chế; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải cách giáo dục, đào tạo đại học.

Diễn đàn đã chọn 7 giải pháp chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm thông điệp. Xuyên suốt 7 giải pháp này là việc doanh nghiệp cần phải xác định công nghệ thông tin là phương thức phát triển mới, giúp đất nước tiến kịp các nước hùng mạnh, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh cho chính mình trên thương trường.

Công nghệ thông tin có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhờ ba khả năng:
truyền dẫn tốc độ nhanh, kết nối cao và tích hợp lớn.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, ứng dụng công nghệ là một phần không thể thiếu cho sự sống còn của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn mới.

Theo ông Thành, một trong những cụm từ được dư luận nhắc đến nhiều nhất hiện nay là năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, quốc gia.

Doanh nghiệp muốn tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh phải có tầm nhìn chiến lược cùng công nghệ. Công nghệ thông tin có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhờ ba khả năng: truyền dẫn tốc độ nhanh, kết nối cao và tích hợp lớn.

“Với ba khả năng này, công nghệ thông tin không chỉ là vật truyền dẫn, mà đã thực sự trở thành một nền tảng để tạo ra sự sáng tạo và những điều thần kỳ trong sản xuất, kinh doanh”, ông Thành nhận định và cho rằng, vấn đề ở đây không còn là lợi nhuận, mà là sự sống còn dựa trên những giải pháp thông minh hơn, tinh xảo hơn.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp... phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thế nhưng, cuộc khảo sát đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương thực hiện cho thấy, các công ty mới chỉ đầu tư cho máy tính, máy chủ, ứng dụng văn phòng... Trong khi đó, các ứng dụng về quản trị khách hàng (CRM) hay quản trị tổng thể nguồn nhân lực (ERP) giúp đem lại hiệu quả cao lại mới chỉ được 11% và 28% doanh nghiệp triển khai.

Thậm chí, chỉ có 3/19 doanh nghiệp này có chức danh CIO (giám đốc công nghệ thông tin). Đa số các ý kiến trong cuộc khảo sát cho rằng, việc khó khăn trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp là nhận thức của cán bộ, nhân viên, cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp.

Ông Mai Công Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ ERP FPT (FPT IS ERP) nhận định, năng lực cạnh tranh quốc gia của chúng ta rất thấp và ngày càng đi xuống. Vậy bao giờ chúng ta mới sánh vai được với các cường quốc? Năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp gồm 4 hướng cơ bản là khả năng tiếp cận các nguồn vốn, nguyên vật liệu, năng lực công nghệ và khả năng quản trị.

“Năng lực quản trị chính là chìa khoá cho các doanh nghiệp tiếp cận và có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Một đội quân yếu, số lượng ít, vũ khí sơ sài, nhưng có nguồn lực và được lãnh đạo, quản trị tốt hơn vẫn có thể chiến thắng. ERP chính là giải pháp quản trị tổng thể cho doanh nghiệp”, ông Nguyên cho hay.

Việt Nam đi sau đã kế thừa được những tiến bộ của thế giới về xu hướng di động, điện toán đám mây và dữ liệu lớn. Lúc này, điều quan trọng là phải phát huy hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong tái cấu trúc, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng lực, sẵn sàng cho hội nhập quốc tế.

Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, muốn hoạt động hiệu quả, phải chấp nhận, dám thay đổi tư duy cũ, cách làm cũ, phải đánh giá và đầu tư công nghệ thông tin đúng tầm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư