Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Sốt ruột với Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi
Nguyễn Lê - 14/12/2023 17:32
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
.
Phiên họp chiều 14/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, nếu không đảm bảo chất lượng, không thống nhất được giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo thì tại kỳ họp bất thường trong tháng 1 sắp tới cũng không xem xét, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tiếp tục phiên họp thứ 28, chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Báo cáo tờ trình tóm tắt dự thảo nghị quyết, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 13/12, Tổng thư ký Quốc hội tiếp tục nhận được 2 văn bản của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, đề xuất thêm một số nội dung vào chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024.

Cụ thể hơn, ông Cường cho biết, nội dung đó là giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông (phiên họp tháng 1/2024); các dự án Luật dự án Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi…

Tuy nhiên, do các văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi sát phiên họp nên chưa kịp tổng hợp trong các tài liệu về chương trình công tác để xin ý kiến các cơ quan.

Ông Cường đề nghị đại diện Chính phủ báo cáo thêm về các đề xuất này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thảo luận, cho ý kiến.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, việc thay đổi chương trình vừa qua là quá nhiều.

Nêu tình trạng có những nội dung “đưa vào chương trình rồi nhưng quá trình họp vẫn rút ra, đưa vào”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần phải rút kinh nghiệm, kiểm điểm và chỉ rõ bao nhiêu việc chậm, bộ phận nào chịu trách nhiệm.

Có nhiều việc như các vấn đề liên quan tài chính, ngân sách như thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT dễ như “trở bàn tay”, nhưng vẫn sát sạt mới trình trong khi chủ trương từ Hội nghị Trung ương 8 đã có từ đầu tháng 10, ông Vương Đình Huệ nêu ví dụ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2024 sẽ phải dành thời gian cho các tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIV, tổng kết 40 năm đổi mới, “không thể đủng đà, đủng đỉnh như năm nay được”.

“Phải dứt khoát tăng cường kỷ luật. Các đầu mối trình phải tính thời gian để các cơ quan còn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chứ có phải cứ ép vào là được đâu”, ông Huệ nhấn mạnh.

Đề cập cụ thể về phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 1/2024, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phiên họp này chỉ giải quyết nội dung liên quan tới kỳ họp bất thường dự kiến khai mạc từ 15/1. Do đó, cần tập trung cho Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Riêng với Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã trao đổi với anh Thanh (Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – PV). “Anh Thanh có nói nếu Luật Các tổ chức tín dụng mà không đảm bảo được chất lượng, không thống nhất được giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra thì kỳ họp bất thường này cũng không xem xét”.

“Quốc hội chỉ nói là kỳ họp gần nhất thôi, nhưng phải căn cứ vào cái kết quả chuẩn bị. Các đồng chí phải tập trung cái này. Chính phủ phải có ý kiến, giao khoán cho cơ quan soạn thảo không được, Dự án luật này đặc biệt quan trọng”, ông Vương Đình Huệ nói.

Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu tới nay, cơ quan chủ trì soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước - PV) gần như không tiếp thu gì.

 “Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói như thế, Ủy ban Kinh tế đã có ý kiến như vậy nhưng cơ quan soạn thảo hầu như vẫn giữ quan điểm, thế thì để lại thôi. Quốc hội nói là sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp gần nhất chứ không bắt buộc”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Từ thực tế đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đưa vào trường hợp dự phòng, đủ điều kiện thì trình ra, không đủ điều kiện thì thôi. “Còn như luật Đất đai chắc chắn phải làm và bây giờ đang rất tích cực”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nhiều nội dung cũng chưa có hồ sơ, tài liệu như dự thảo nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù 3 chương trình mục tiêu quốc gia, dự thảo nghị quyết quy hoạch không gian biển quốc gia. Trong khi đó, dự kiến kỳ họp bất thường khai mạc ngày 15/1, tính ra chỉ còn 1 tháng nữa, trong khi còn nghỉ Tết Dương lịch, Noel.

“Báo cáo các đồng chí các nội dung không kịp là loại luôn, để lại Kỳ họp thứ bảy. Theo Hiến pháp thì kỳ họp bất thường phải gửi tài liệu trước 7 ngày. Kỳ họp bất thường là 15/1 thì ngày 7/1 phải có tài liệu gửi tới các đại biểu”, Chủ tịch Quốc hội lo ngại.

Tham gia ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhìn nhận, phiên họp tháng 1 có rất nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ phải chuẩn bị hết sức tích cực đó là Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Sau kỳ họp vừa rồi Ủy ban Kinh tế đã có một văn bản gửi cho các cơ quan có liên quan nêu các vấn đề cần phải tập trung để làm rõ và chuẩn bị. Thời gian còn một tháng nữa, nếu chúng ta không tập trung thì rất khó có thể đảm bảo được chất lượng của 2 luật này, nhất là Luật Về các tổ chức tín dụng có nhiều vấn đề khó, mới, ông Hải phát biểu.

Riêng Luật Đất đai sửa đổi, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải tiếp tục hoàn chỉnh về mặt nội dung cũng như các vấn đề có liên quan, vì là bộ luật rất lớn. “Đề nghị đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về báo cáo lại Chính phủ chỉ đạo 2 cơ quan có liên quan trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế thì mới đảm bảo. Chúng tôi rất lo không đảm bảo được tiến độ và chất lượng, vì còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ thêm”, ông Hải phát biểu.

Giải trình thêm, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nói Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là dự án luật rất khó.

“Tới nay, Thủ tướng có 4 - 5 văn bản giao trực tiếp cho các phó thủ tướng, trong đó Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi giao cho đồng chí Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp họp với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền liên quan. Để thời gian làm sao đó có thể trình ra được phiên họp tháng 1 này với yêu cầu chất lượng phải đảm bảo”, ông Sơn cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư