Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
SSI tiếp tục vay tín chấp từ nhóm ngân hàng Đài Loan
Anh Hoa - 27/07/2021 10:06
 
CTCP Chứng khoán SSI vừa tiếp tục có khoản vay vốn với hạn mức lên tới 100 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ đồng vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan.

Đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay lần này là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon). Và sự tham gia của các ngân hàng như Bank of Taiwan, Taiwan Shin Kong Commercial Bank, Hua Nan Commercial Bank…

Khoản vay có kỳ hạn không quá 12 tháng với mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường tiền tệ quốc tế, dự kiến được giải ngân thành 2 đợt.

Trước đó, SSI cũng có khoản vay tín chấp 85 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỷ đồng)  từ nhóm 9 Ngân hàng nước ngoài. Trong đó, đứng đầu khoản vay cũng là nhà băng lớn nhất Đài Loan - Union Bank of Taiwan (UBOT).

Năm 2019, SSI cũng đã gọi vốn tín chấp thành công 55 triệu USD (tương đương 1.270 tỷ đồng) từ Ngân hàng Sinopac (Đài Loan).

Trước khi có khoản vay này, SSI phát hành thêm gần 47 triệu cổ phần để thực hiện chuyển đổi 1.150 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu theo yêu cầu của trái chủ. Giá chuyển đổi là 24.541 đồng/cp (đã được điều chỉnh theo điều khoản chống pha loãng).

Tại thời điểm 30/6/2021, vốn điều lệ của SSI đạt 6.498 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 41,538 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 11,096 tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế theo báo cáo tài chính riêng quý 2 đạt lần lượt 1.742 tỷ đồng và 703 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI ghi nhận khoản doanh thu 3.245 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.232 tỷ đồng, tăng trưởng 38% và 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế cho 6 tháng đầu năm của SSI đạt 1.255 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ký quỹ cuối quý 2 đạt 15.539 tỷ đồng, tăng trưởng 72% so với đầu năm, dẫn đầu thị trường và cũng là mức kỷ lục đối với hoạt động cho vay ký quỹ (margin) của SSI.

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Kinh doanh Tài chính của SSI chia sẻ, nguồn vốn vay được sử dụng để phân bổ vào các hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp. Trong đó có mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng, đặc biệt là hoạt động cho vay margin.

Thị trường chứng khoán đang chứng kiến sự bùng nổ của lớp nhà đầu tư F0 khi trong năm 2020 đã có gần 394.000 tài khoản chứng khoán được mở mới, tăng gấp đôi so với năm trước.

Diễn biến này tiếp tục được kéo dài trong những tháng đầu năm 2021 khi chỉ trong tháng 6 vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 140.054 tài khoản. Đây là ngưỡng cao kỷ lục lịch sử mới (theo số liệu vừa công bố của Trung tâm Lưu ký)  

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 619.911 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020 – năm thị trường đã lập kỷ lục lịch sử về số tài khoản cá nhân mới. Theo đó, những phiên giao dịch với giá trị hơn 1 tỷ USD đã không còn là chuyện hiếm. 

Làn sóng nhà đầu tư cá nhân đã nổi lên trên toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Các biện pháp hạn chế đi lại để chống dịch là lý do khiến nhiều người tìm kiếm cơ hội ở thị trường chứng khoán với mong muốn bù đắp phần thu nhập bị mất hoặc tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn so với lãi suất ngân hàng.

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư F0 trong nước đã bù đắp cho sự suy giảm của nhà đầu tư nước ngoài. Số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 6 vừa qua chỉ mở mới 280 tài khoản, trong khi tháng 5 là 423 tài khoản. Riêng với tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài đóng tài khoản nhiều hơn mở. Cụ thể, tài khoản mới mở là 25 nhưng tài khoản đóng lại 28.

Sự gia nhập của lớp nhà đầu tư F0 mới cũng kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ ký quỹ (margin) trên thị trường tăng mạnh. Tính tới cuối năm 2020, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào khoảng 90.000 tỷ đồng (trong đó phần lớn là cho vay margin).

Đây cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay, tăng thêm khoảng 30.000 tỷ đồng so với cuối quý III/2019 khiến nhiều công ty rơi vào trạng thái “căng cứng” nguồn cho vay.

Để phục vụ cho nhu cầu margin ngày càng tăng cao, các công ty chứng khoán đã rất chủ động trong việc bổ sung nguồn vốn bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, trước sự thăng hoa của thị trường, chắc chắn lượng nhà đầu tư mới sẽ còn gia tăng hơn nữa, nhóm doanh nghiệp phục vụ thị trường này không thể đi vay hoặc phát hành liên tiếp.

Bởi ngoài vấn đề tìm kiếm lợi nhuận từ hợp tác cấp vốn cho SSI, các đối tác nước ngoài khi rót vốn cũng đều mong muốn tìm kiếm, mở rộng và lan tỏa các hoạt động kinh doanh khác của họ tại Việt Nam. Điều này cũng chứa đựng những rủi ro.

Thị trường chứng khoán biến động, bất động sản thành "cửa sáng" cho nhà đầu tư
Khi thị trường chứng khoán biến động không ngừng thì thị trường bất động sản ổn định và trở thành “cửa sáng” cho nhà đầu tư trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư