Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Start-up Việt giành thế cờ trên thị trường carbon âm tính
Anh Hoa - 12/05/2024 13:48
 
Khi tất cả mắt xích trong chuỗi sản xuất công nghiệp, dịch vụ xanh đều đủ rẻ, các doanh nghiệp tham gia sẽ thiết lập được lợi thế tuyệt đối. Đó là thời cơ để start-up Việt giành thế cờ trong tay.
Sản phẩm nhựa sinh học carbon âm tính của AirX Carbon được nhiều khách hàng lớn ưa chuộng
Sản phẩm nhựa sinh học carbon âm tính của AirX Carbon được nhiều khách hàng lớn ưa chuộng

Chuyện từ bã cà phê

Với cam kết hoạt động theo hướng bền vững, khách sạn New World Saigon có hành trình giảm rác thải và bảo vệ môi trường. Trong đó, khách sạn bắt tay với các đơn vị địa phương để xây dựng một chương trình toàn diện nhằm giảm thiểu rác thải thực phẩm.

Điển hình, bã cà phê được thải ra mỗi ngày từ Whisper Bar & Lounge, khách sạn đã cùng AirX Carbon tái chế bã cà phê phụ phẩm để sản xuất sản phẩm xanh, tăng doanh thu. Trong đó, ly tái chế làm từ bã cà phê có thiết kế bắt mắt, hương thơm dịu nhẹ, có khả năng phân hủy sinh học và tính ứng dụng cao, không chứa chất gây hại hay BPA.

AirX Carbon gần đây nổi lên là một start-up thuần Việt, đi đầu trong phân khúc này. Tháng 6/2023, cùng với việc ra mắt nguyên liệu carbon âm tính từ bã cà phê đầu tiên trên thế giới, start-up này bắt tay với đối tác chiến lược độc quyền A1 Environment (Singapore). Đối tác sẽ đảm nhận việc thu gom và cung cấp bã cà phê cho AirX Carbon, nhằm tạo ra nguyên liệu carbon âm tính.

Cùng với bã cà phê, nhựa sinh học âm carbon cũng được phát triển từ các phụ phẩm nông nghiệp thân thiện khác như tre, bã mía, trấu… Đây cũng là mặt hàng thế mạnh của AirX Carbon với nhiều đối tác nước ngoài.

Lý giải việc chọn A1 Environment, ông Dương Tiết Anh, đồng sáng lập AirX Carbon cho rằng, hai bên có các mục tiêu và chiến lược thương mại phù hợp với nhau, cùng tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác.

AirX Carbon kỳ vọng tới đây sẽ được các quỹ đầu tư bơm vốn cho vòng gọi vốn hạt giống trị giá khoảng 2 triệu USD để mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình.

Cuối năm 2023, AirX Carbon giành chiến thắng trong cuộc thi Net Zero Challenges với ý tưởng vật liệu thay thế nhựa làm từ thải sinh học với chi phí cạnh tranh, thuộc hạng mục kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội mới trong tiếp cận và tạo mối quan hệ với khách hàng tiềm năng, xây dựng mạng lưới kinh doanh và tăng nhận thức về thương hiệu trong ngành công nghiệp xanh.

Trong đó, A1 Environment nhìn thấy cơ hội rộng mở và chủ động đề xuất hợp tác để thương mại hóa vật liệu carbon âm tính. Ngoài ra, Singapore có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào công nghệ chống lại biến đổi khí hậu và giảm lượng rác thải.

Tuy nhiên, để các start-up trong lĩnh vực này có thể phát triển thần tốc ở thị trường Việt Nam, cần ít nhất 5-7 năm nữa. Đó là thời điểm nhận thức của khách hàng rõ ràng hơn, các chính sách và quy định của Nhà nước chặt chẽ và các bên liên quan cùng chí hướng khi làm việc với nhau.

Hiện trên thế giới có khoảng 3 - 4 tên tuổi có thể sản xuất được nguyên liệu carbon âm tính từ bã cà phê, nhưng AirX Carbon là đơn vị duy nhất có thể thương mại hóa vật liệu này.

Theo đại diện công ty, các đơn vị khác chủ yếu tạo ra sản phẩm cuối và bán đến người tiêu dùng, trong khi AirX Carbon hợp tác cùng các nhà máy để thương mại hóa nguyên liệu. Các nhà máy có thể tạo ra nhiều sản phẩm tùy theo nhu cầu của thị trường.

Chạm trán với “người khổng lồ”

NetZero, tín chỉ carbon, carbon âm tính đang là những cụm từ khá thịnh hành tại các doanh nghiệp, tổ chức đi đầu trong phát triển bền vững.

Sự chuyển mình này tạo ra cuộc đua đầu tư, tiêu chí cần đạt đến giữa các doanh nghiệp đối thủ của nhau. Cơ hội cho tên tuổi start-up trong lĩnh vực này cũng ngày một rộng mở.

Riêng mảng nguyên liệu hạt nhựa sinh học mà AirX Carbon đang nhắm tới, ông Dương Tiết Anh tự tin: “Với lợi thế về công nghệ, giá nguyên liệu của AirX Carbon sẽ rất cạnh tranh ở thị trường này”.

Châu Âu đã áp dụng các quy định và chính sách môi trường nghiêm ngặt, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và nguyên liệu sinh học. Việc xuất khẩu sang thị trường này có thể là một điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp có nguyên liệu và sản phẩm sinh học.

Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành công nghiệp sinh học. Một số thị trường đông dân có nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm xanh và bền vững như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù được thành lập chưa lâu, nhưng AirX Carbon kỳ vọng, với chiến lược kinh doanh đa dạng có thể tận dụng được cơ hội từ cả hai thị trường này.

Thời điểm này, các start-up phải tìm cách đưa ra những sản phẩm và giải pháp độc đáo, hiệu quả về mặt môi trường, giúp họ cạnh tranh trong thị trường ngày càng yêu cầu cao về vấn đề môi trường.

Các start-up sẽ phải đối mặt với các tên tuổi lớn đang sở hữu tài nguyên và tài chính lớn hơn. Những đối thủ này sẽ nhanh chóng thích ứng và đáp ứng mọi yêu cầu về tín chỉ carbon và giải pháp từ carbon âm tính.

Minh chứng là, các công ty hóa chất lớn của Nhật Bản đang chuyển hướng sản xuất sản phẩm nguyên liệu nhựa bằng hoạt chất ethanol sinh học, có nguồn gốc từ đường thực vật, mía. Đơn cử, Công ty Asahi Kasei lên kế hoạch bắt đầu sản xuất nhựa sinh học từ năm 2027, với quy mô khoảng 10.000-20.000 tấn. Con số này chỉ chiếm chưa đến 1% sản lượng ethylene sản xuất tại Nhật Bản. Do đó, công ty sẽ xem xét mở rộng sản xuất trong thời gian tới.

Trong khi đó, Sumitomo Chemical đã thành lập một cơ sở thử nghiệm vào năm 2022, sử dụng ethanol sinh học làm nguyên liệu để sản xuất các loại nhựa cơ bản. Công ty này sẽ chính thức thương mại hóa sản phẩm mới vào năm 2025.

Tính đến năm 2018, các lô hàng nhựa gốc thực vật ở Nhật Bản chỉ đạt khoảng 50.000 tấn. Năm 2019, chính phủ nước này đã soạn thảo chiến lược tái chế tài nguyên nhựa, để giảm gánh nặng môi trường từ rác thải nhựa và đặt ra mục tiêu sử dụng khoảng 2 triệu tấn nhựa gốc thực vật mỗi năm (từ năm 2030).

Trong khi các công ty của Nhật Bản mới chỉ bắt đầu chuyển sang sản xuất quy mô thương mại, thì Braskem - công ty sản xuất nhựa sinh học nổi tiếng toàn cầu của Brazil, cũng đang xem xét đưa một số hoạt động sản xuất sang Nhật Bản vào năm 2026 hoặc muộn hơn. Điều này có thể tạo ra một môi trường cạnh tranh khó khăn đối với các start-up nhỏ.

Đầu tiên, các start-up nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thu hút khách hàng trong một thị trường đầy cạnh tranh và phát triển nhanh chóng. Việc xây dựng tên tuổi và tạo ra sự tin cậy có thể mất nhiều thời gian và nỗ lực.

Bên cạnh đó là thách thức về tài nguyên, tài chính. Việc phát triển và triển khai các giải pháp từ carbon âm tính có thể đòi hỏi tài nguyên và vốn đầu tư lớn. Đối với các start-up nhỏ, việc thu hút đủ tài trợ và quản lý tài nguyên là một thách thức lớn.

Chờ điểm bùng phát

Nhựa sinh học chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng nhựa, song nhu cầu toàn cầu dự kiến tăng nhanh. Theo Hiệp hội Nhựa sinh học châu Âu, năng lực sản xuất toàn cầu sẽ tăng gấp gần ba lần, từ 2,21 triệu tấn trong năm 2022, lên 6,29 triệu tấn vào năm 2027.

Hiện nguyên liệu đầy tiềm năng của AirX Carbon được doanh nghiệp, đối tác từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và châu Âu đặt hàng.

Tổng thành phần phế thải cà phê hoặc phụ phẩm nông nghiệp đang chiếm khoảng 30-80% và phần còn lại là PP tái chế (nhựa tái chế) có chứng nhận GRS (tiêu chuẩn nhằm xác minh số lượng vật liệu tái chế trong một sản phẩm).

Mục tiêu của AirX Carbon trong năm 2024, hạt nguyên liệu âm carbon bằng cà phê sẽ gồm 90% nguyên liệu sinh học và 10% nguyên liệu PP tái chế, đồng thời đưa giá thành sản phẩm không quá đắt.

Khi sản xuất ở quy mô đủ lớn, giá thành hạt nhựa sinh học âm carbon sẽ cạnh tranh được với nhựa nguyên sinh, với các nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời giúp các nhà máy giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường.

Theo ông Dương Tiết Anh, sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và lợi thế nguyên liệu địa phương là điều tiên quyết giúp tên tuổi start-up trong lĩnh vực này có thể đấu lại các đối thủ đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, châu Âu, Trung Quốc...

Minh chứng, AirX Carbon đã nâng tỷ lệ nguyên liệu sinh học từ 30 - 40%, lên mức 80 - 90%, thậm chí 100% nếu khách hàng có yêu cầu. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường, mà đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế. Bởi nhựa truyền thống gốc dầu mỏ có giá thành khoảng 24.000 đồng/kg và nguyên liệu phải nhập khẩu. Trong khi đó, nguyên liệu sinh học như bã cà phê, bã mía, bã bia, rơm, trấu, tre… có giá phổ biến chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Việc nâng được tỷ lệ nguyên liệu sinh học lên cao giúp giá thành nhựa sinh học của AirX giảm xuống rất nhiều. Hiện bình quân sản phẩm của AirX rẻ hơn nhựa gốc dầu của thị trường 20%.

AirX Carbon có nhà máy tại Long An với công suất 200 tấn/tháng. Dự kiến cuối năm nay nâng công suất khoảng 500 tấn/tháng. Sản phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đây có thể là nhà máy đầu tiên trên thế giới sản xuất nguyên liệu carbon âm tính ứng dụng công nghệ tiên tiến, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa sản xuất, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động môi trường.

Hiện 50% công suất nhà máy dành cho đơn đặt hàng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Nhiều nhãn hàng, tập đoàn lớn như Nestlé, Paula's Choice, Uniqlo, Roche và Tập đoàn Khách sạn Intercontinental... đã hợp tác với doanh nghiệp.

Thực tế, đối với ngành liên quan tới phát triển xanh, các chuyên gia cho rằng, điểm bùng phát là khi tất cả các mắt xích trong chuỗi sản xuất công nghiệp, dịch vụ đều đủ rẻ. Khi đó, các quốc gia, doanh nghiệp tham gia sẽ thiết lập được lợi thế tuyệt đối. Điểm đến cuối cùng của chuỗi cung ứng xanh là tạo ra sản phẩm rẻ nhất có thể.

Các start-up trong lĩnh vực này tại Việt Nam đang vấp phải một số rào cản, đó là sản phẩm cần quy mô lớn để tối ưu chi phí, nên ngoài vốn, cần được các doanh nghiệp lớn đặt hàng sản phẩm xanh.

Nguyên liệu nhựa sinh học "made in Việt Nam" được phân phối trên toàn Bắc Mỹ
Nguyên liệu nhựa phân huỷ sinh học sản xuất tại Việt Nam bởi An Phát Holdings, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe thế giới sẽ được phân phối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư