Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 07 năm 2024,
Startup an ninh mạng từ chối đề nghị mua lại trị giá 23 tỷ USD của Google
Đông Phong - 23/07/2024 16:11
 
Công ty khởi nghiệp an ninh mạng Wiz Inc. đã từ chối lời đề nghị mua lại trị giá lên tới 23 tỷ USD từ Alphabet - công ty mẹ của Google, thay vào đó họ tiếp tục kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Logo Google gắn trên tòa văn phòng Google tại thủ đô San Salvador, El Salvador. Ảnh: Reuters
Logo Google gắn trên tòa văn phòng Google tại thủ đô San Salvador, El Salvador. Ảnh: Reuters

Việc Wiz từ chối thỏa thuận mua lại đã dội gáo nước lạnh vào Alphabet trong bối cảnh "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đang cố gắng bắt kịp hai đối thủ Microsoft và Amazon trên thị trường dịch vụ đám mây đầy cạnh tranh.

Hai năm trước, Alphabet đã mua công ty an ninh mạng Mandiant trong thương vụ mua lại lớn thứ hai của mình với giá 5,4 tỷ USD. Hãng này nhăm nhe mua lại Wiz để hoàn thiện các dịch vụ bảo mật của mình.

Mặc dù mới khởi nghiệp, nhưng Wiz đã thiết lập nền móng hợp tác được với các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây hàng đầu như Amazon Web Services và Microsoft Azure, đồng thời quét dữ liệu được lưu trữ tại đó để tìm rủi ro bảo mật.

"Thật khó để nói không với những lời đề nghị khiêm tốn như vậy, nhưng với đội ngũ đặc biệt của mình, tôi cảm thấy tự tin khi đưa ra lựa chọn đó", giám đốc điều hành Wiz Assaf Rappaport nêu trong một văn bản gửi cho nhân viên mà Bloomberg vừa tiếp cận được. Vị này cho biết các cột mốc tiếp theo mà Wiz cần đạt được là doanh thu 1 tỷ USD/năm và thực hiện IPO.

Một kế hoạch mua lại lớn như thâu tóm Wiz sẽ là điều bất thường đối với một công ty công nghệ lớn như Alphabet và nó thu hút sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý chống độc quyền Mỹ.

Trước đó, Google đã phải đối mặt với một số thách thức chống độc quyền, bao gồm một vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ với cáo buộc công ty này lạm dụng vị thế thống lĩnh trong lĩnh vực tìm kiếm và một vụ kiện khác liên quan đến các công cụ quảng cáo kỹ thuật số.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Google đã từ chối bình luận về thông tin trên.

Google đã tìm cách củng cố năng lực của mình trong lĩnh vực an ninh mạng như một mũi nhọn chính trong chiến lược giành thị phần trong lĩnh vực điện toán đám mây. Tuy vẫn theo sau Amazon và Microsoft trên thị trường điện toán đám mây, nhưng "gã khổng lồ" tìm kiếm này đã giành được nhiều thị phần và báo lãi lần đầu tiên vào năm ngoái.

Hai năm qua, thỏa thuận mua lại Mandiant đã gia tăng uy tín của Google trong lĩnh vực điện toán đám mây. Tại một hội nghị chuyên ngành ở Las Vegas năm nay, Google đã giới thiệu cách mô hình AI Gemini của mình với tính năng giúp khách hàng phân tích các mối đe dọa và giải quyết các lỗ hổng tiềm ẩn.

Ông Eric Doerr, phó chủ tịch kỹ thuật bảo mật đám mây của Google, cho biết mô hình AI như một công cụ giúp các công ty chủ động hơn trong an ninh mạng. "Những tác vụ nghiên cứu thủ công" có thể được AI hỗ trợ, ông Doerr nhận định.

Wiz đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông công nghệ sau khi Alphabet đề xuất mua lại công ty bảo mật này với giá gần gấp đôi mức định giá chỉ hai tháng trước đó. Trước khi tiến hành các cuộc đàm phán với Alphabet, Wiz đã nhanh chóng mở rộng các vụ mua lại của riêng mình và bắt đầu nhắm đến việc tiến hành IPO.

Thành lập vào năm 2020, Wiz được định giá 12 tỷ USD trong vòng gọi vốn vào tháng 5 khi thu hút các nhà đầu tư như Andreessen Horowitz, Lightspeed Venture Partners và Thrive Capital.

Giới đầu tư và các nhà phân tích công nghệ cho rằng sự tăng trưởng vượt bậc của Wiz là nhờ vào việc sớm xác định được bảo mật đám mây là một lĩnh vực chưa có nhiều bên tham gia trong khi tiềm năng phát triển khách hàng trên thị trường này rất lớn và đang tăng lên.

Wiz cho biết 40% các công ty nằm trong danh sách Fortune 100 là khách hàng của họ và họ đã thu về 350 triệu USD doanh thu hàng năm.

Google đã nói quá về “siêu AI” Gemini?
Giới truyền thông Mỹ cho rằng Google đang che mắt công chúng bằng đoạn video quảng bá AI “không một vết xước”. Trong khi đó, điều quan trọng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư