Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 02 tháng 07 năm 2024,
Startup mong ngóng chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo đi vào thực chất
Nhung Bùi - 29/10/2023 10:59
 
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã có nhiều cải thiện, nhưng với các nhà sáng lập, họ vẫn đang trông mong vào các chích sách cụ thể, dễ tiếp cận hơn nữa từ phía Chính phủ.

Đổi mới sáng tạo là yêu cầu bắt buộc với startup

Thuật ngữ đổi mới sáng tạo được đề cập phổ biến trên thế giới trong hơn hai thập kỷ vừa qua, để nói về những thay đổi, cải tiến mang tính đột phá, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm hoặc dịch vụ.

Tại Việt Nam, Điều 13 Luật Khoa học và Công nghệ chỉ rõ: “Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.

Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới sáng tạo đã trở thành yêu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp mới, đặc biệt là giới startup. Không chỉ giới hạn trong việc ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo với startup còn bao gồm sự đổi mới trong mô hình, thị trường, cách thức tiếp cận khách hàng, các hoạt động nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa,…

Theo phân tích của nhiều nhà sáng lập startup, gần như các mô hình kinh doanh, cách thức kinh doanh ở trên thị trường đều đã có người làm, và đang được làm rất tốt. Nếu startup vẫn làm lại những phương pháp, cách thức cũ, chắc chắn sẽ không có cơ hội cạnh tranh với doanh nghiệp đi trước bởi sự hạn chế về nguồn lực, kinh nghiệm. Trong trường hợp vượt qua được gian đoạn đầu, startup vẫn khó để đi đường dài hoặc có thể bị thâu tóm.

“Vì vậy đổi mới sáng tạo không phải là muốn hay không, mà là yêu cầu bắt buộc nếu startup muốn tồn tại và phát triển. Chỉ bằng cách tìm mô hình mới, cách thức làm mới, hoặc làm tốt hơn những phương thức cũ trước đó, startup mới có khả năng tìm đường đi lên, cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn”, Lê Hải Vũ, nhà sáng lập, CEO Velasboost chia sẻ cùng Báo Đầu tư.

Đồng quan điểm này, CEO Nguyễn Bình Nam, nhà sáng lập phần mềm quản lý quan hệ khách hàng Opla CRM, nhấn mạnh: “Chính nhờ đổi mới sáng tạo mà startup có tính mới, có sự khác biệt, có sự cải tiến cũng như rút ngắn khoảng cách với các đối thủ đi trước, vốn đang sở hữu tiềm lực tài chính tốt hơn”.

Startup mong ngóng những chính sách hỗ trợ thực chất


Hiểu được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giới khởi nghiệp. Các Đề án 844, 939, 1665 của Chính phủ không chỉ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia nói chung mà còn hướng đến hỗ trợ những đối tượng cụ thể như phụ nữ, sinh viên, học sinh.

Việt Nam cũng thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NIC) với mục tiêu kết nối và khai thác nguồn lực trong nước, quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm các hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ tiếp cận vốn, hỗ trợ tư vấn giải pháp,…

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 200 không gian làm việc chung, 84 cơ sở ươm tạo, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 208 quỹ đầu tư mạo hiểm với 40 quỹ đầu tư nội địa. Gần 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành; trong đó một số ngành đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ như công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính, hay trong các lĩnh vực truyền thống như du lịch, bất động sản.

CEO Nguyễn Bình Nam cho rằng sự quan tâm của Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước đến hoạt động hoạt động đổi mới sáng tạo đã giúp startup Việt Nam “có nơi để bấu víu” về vốn, nguồn lực và chính sách. Một số cộng đồng khởi nghiệp được thành lập, phần nào giúp đỡ startup cả trực tiếp lẫn gián tiếp về kiến thức, thông tin cũng như tài chính.

“Nói chung, so với 3-4 năm trước thì startup bây giờ cảm thấy ấm áp và dễ thở hơn”, nhà sáng lập Opla CRM đánh giá.

Tuy nhiên, đặt trong mặt bằng chung với các nước trong khu vực , ông Nam cho rằng startup Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi, khi các chương trình hỗ trợ của Chính phủ còn mang tính chất hình thức, chưa có sự ảnh hưởng đủ sâu rộng, chưa thấy hiệu lực và tác động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa startup và nơi có thể hỗ trợ vẫn còn xa.

Vì vậy, nhà sáng lập này đề xuất các nhà làm chính sách có thể nhìn vào mô hình đổi mới sáng tạo của Singapore để tham khảo một số chương trình hỗ trợ cụ thể từ phía chính phủ cho startup. Ví dụ: doanh nghiệp mua sản phẩm của startup sẽ được chính phủ trả tiền tới 90%, startup khởi nghiệp được các gói trợ 3.000 – 5.000 SGD, các chương trình nâng cao tay nghề, kỹ năng dành cho các công ty khởi nghiệp cũng đều rất hiệu quả…

Ngoài ra, ông bày tỏ hy vọng các bộ ngành, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá về tính hiệu quả của các chương trình hỗ trợ startup mà tổ chức đã thực hiện. “Việc khảo sát này nên được làm một cách thực chất và sâu sát để có kết quả thực tế nhất. Tôi tin rằng kết quả sẽ giúp Chính phủ thấy nhiều hơn sự “kém hiệu quả” thay vì các kết quả mang tính chất báo cáo thành tích”, đại diện Opla CRM nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Trần Bá Thìn, CEO, Đồng sáng lập nền tảng quản lý và vận hành chung cư PiHome, các startup đổi mới sáng tạo ở giai đoạn sớm (early stage), cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ về chính sách, cơ chế, mạng lưới chuyên gia tư vấn, thị trường thí điểm và nguồn vốn cơ bản, từ đó giúp những doanh nghiệp non trẻ có thể xây dựng sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) và tìm kiếm cơ hội trên thị trường.

“Rất hiếm quỹ đầu tư tham gia ở giai đoạn này, vì thế sự hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách là cần thiết”, đại diện PiHome đánh giá. “Thực tế, dù đã nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi từng không thể tiếp cận các nguồn hỗ trợ ở giai đoạn đầu vì lý do từ nhiều phía”.

Ông Trần Bá Thìn cũng đề xuất Nhà nước có những chính sách sát hơn với thực tế dành cho startup, như: Hỗ trợ cơ sở vật chất cơ bản ban đầu (văn phòng, thiết bị,…), hỗ trợ thị trường thí điểm, kết nối mạng lưới chuyên gia,…Ông gợi ý với những startup đã có sản phẩm được thị trường chấp nhận và chứng minh tính hiệu quả trong thực tế, Nhà nước có thể xây dựng cơ chế kết nối với khu vực chi tiêu công, ưu tiên sử dụng thí điểm các sản phẩm của startup thay vì chỉ sử dụng sản phẩm của các tập đoàn lớn.

Thủ tướng cắt băng khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Hòa Lạc
Sự kiện khánh thành NIC Cơ sở Hòa Lạc và đưa cơ sở này đi vào hoạt động ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình kiến tạo hệ sinh thái đổi mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư