Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Sự biến động của các loại giá cả và mối quan hệ
Minh Nhung - 15/04/2023 15:25
 
Mọi người thường chủ yếu quan tâm đến Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI). Nhưng sự biến động của các loại giá khác cũng rất quan trọng, không chỉ liên quan đến các chủ thể tương ứng, mà còn có mối quan hệ với nhau.

Sự biến động

Giá nhập khẩu quý I năm nay giảm khá, một phần do lạm phát của các nước được kiềm chế một bước quan trọng, một phần do gốc so sánh cùng kỳ năm trước ở mức khá cao.

Giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng khá cao, không phải do giá nhập khẩu quý này tăng (trái lại còn giảm), mà do giá cao trong năm trước đã chuyển vào và duy trì tốc độ cao như hiện nay. Trong các nhóm ngành, giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông nghiệp tăng cao nhất (4,86%), tiêp đến là công nghiệp chế biến - chế tạo (4,05%), xây dựng (3,77%)...

Giá vận tải, kho bãi tăng rất cao, trong đó, hàng không tăng tới 13,75%, tiếp đến là đường thủy (8,56%), đường bộ (7,79%); còn dịch vụ kho bãi chỉ tăng 0,3%, dịch vụ bưu chính, chuyển phát tăng 0,82%.

Giá sản xuất tăng thấp, trong đó nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 0,47%, công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 0,66%, dịch vụ tăng 2,15%.

CPI quý I có diễn biến đáng lưu ý. Xét theo thời gian, CPI có xu hướng giảm dần. Xét theo nhóm hàng, có 2 nhóm giảm, 6 nhóm tăng thấp hơn tốc độ chung, chỉ có 5 nhóm tăng cao hơn.

Giá nhập khẩu giảm là tin vui, vừa không gây áp lực “nhập khẩu lạm phát”, vừa không gây khó khăn cho việc nhập khẩu để sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Giá vàng tăng thấp hơn CPI.

Giá USD tăng thấp hơn CPI và có xu hướng tăng thấp hơn nữa, bởi gốc so sánh là cuối năm trước đã cao lên.

Lạm phát cơ bản tăng cao hơn CPI, chủ yếu do giá lương thực - thực phẩm tăng thấp, giá giao thông giảm, tín dụng tăng thấp, tài khóa bội thu.

Giá xuất khẩu giảm nhẹ, chủ yếu do giá nông sản, thực phẩm giảm (-1,02%), chế biến - chế tạo khác (-0,7%), chỉ có nhiên liệu tăng cao (13,28%).

Tỷ giá thương mại tăng cao, chủ yếu do nhóm xăng dầu tăng rất cao (24,61%), gỗ và sản phẩm gỗ (10,48%), sắt thép (6,37%), máy tính, sản phẩm điện tử (4,11%).

Quan hệ giữa các loại giá

Giá nhập khẩu giảm là tin vui, vừa không gây áp lực “nhập khẩu lạm phát”, nên cũng là tín hiệu khả quan để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, vừa không gây khó khăn cho việc nhập khẩu để sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao gây bất lợi cho sản xuất, gây ra tình trạng tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, giải thể quý này tăng và lần đầu tiên nhiều hơn số doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, đồng thời làm cho các doanh nghiệp đang hoạt động giảm tỷ suất lợi nhuận vốn đã thấp lại càng thấp, tác động tiêu cực đến hiệu quả và tăng trưởng kinh tế.

Giá vận tải, kho bãi tăng cao, một mặt do giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao trong năm trước, mặt khác sẽ làm cho chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc đi lại của người dân gặp khó khăn, tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, gây ra lỗ lớn ở một số ngành.

Giá sản xuất tăng thấp trong khi giá nguyên, nhiên, vật liệu và giá vận tải kho bãi tăng cao, tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp, làm cho tăng trưởng kinh tế quý I năm nay chỉ đạt 3,32%, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước, đặc biệt tăng trưởng của công nghiệp, xây dựng - nhóm ngành kinh tế thực lớn nhất còn bị giảm - tình trạng hiếm thấy của cùng kỳ nhiều năm qua. Mặt khác, do giá sản xuất tăng thấp, nên không tác động tiêu cực đến CPI.

CPI tăng cao ngay từ đầu năm có một phần do giá đầu vào sản xuất tăng, do nhu cầu tiêu dùng vào 2 tháng Tết tăng, do sự phục hồi của du lịch trong nước và quốc tế, nhưng đang có xu hướng giảm dần, vì giá sản xuất tăng thấp, nhu cầu tiêu dùng tăng cao về tốc độ, nhưng quy mô tuyệt đối vẫn còn thấp hơn cùng kỳ trước đại dịch. Cũng vì những yếu tố đó mà đã có khuyến cáo “yên tâm hơn đối với kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”, “ưu tiên hơn cho tăng trưởng kinh tế”.

Giá vàng, giá USD tăng thấp hơn CPI đã góp phần tạo ra yếu tố tâm lý tác động tích cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Lạm phát cơ bản tăng cao hơn CPI có tác dụng nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Giá xuất khẩu giảm tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước, nhưng tốc độ giảm ít hơn tốc độ giảm của giá nhập khẩu, trong khi giá nhập khẩu giảm mạnh hơn lại tác động tích cực hơn đối với sản xuất.

Do giá nhập khẩu giảm nhiều hơn giá xuất khẩu, nên tỷ giá thương mại đã mang dấu dương. Khi tỷ giá thương mại mang dấu dương làm cho xuất khẩu có lợi hơn nhập khẩu, làm cho xuất khẩu có quy mô lớn hơn nhập khẩu, tức là xuất siêu. Quý I/2023 xuất siêu 4,07 tỷ USD là tín hiệu khả quan để xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp.

CPI tháng 3/2023 giảm 0,23%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng giảm giá, 5 nhóm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư