Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều còn nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế
Thu Phương - 09/09/2019 16:06
 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này còn nhằm mục tiêu nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế bảo đảm tính chủ động trong phòng chống thiên tai.

Sáng ngày 09/9, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

.
Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hai Luật này cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều; cơ bản phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo an sinh, xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành hai Luật, điều kiện kinh tế - xã hội trong nước, quan hệ quốc tế đã có nhiều thay đổi, nhận diện và diễn biến tình hình thiên tai và yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu rõ nét hơn nên một số quy định tại hai Luật hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể:

Đối với Luật Phòng, chống thiên tai, bổ sung một số loại hình thiên tai trong Luật hiện hành; lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cấp xã là nguồn nhân lực quan trọng đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai từ trước tới nay nhưng chưa được xác định trong Luật; Quỹ Phòng chống thiên tai được quy định tại Điều 10 Luật hiện hành được thành lập ở cấp tỉnh, chưa có ở Trung ương nên có một số vướng mắc trong hoạt động tạo nguồn lực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để hỗ trợ các địa phương, nhất là trong các tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai được kịp thời;

Luật hiện hành cũng chưa có quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng, về công tác điều tra cơ bản, kiểm soát an toàn và hoạt động khoa học và công nghệ trong phòng chống thiên tai; cần được bổ sung lần này; Điều chỉnh một số quy định về ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai cho phù hợp với Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công mới; Bổ sung quy định thẩm quyền vận động, quyên góp, tiếp nhận nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khi có thiên tai đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đối với Luật Đê điều, hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều đối với các tuyến đê từ cấp III trở lên cần được cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương cho ý kiến để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê quan trọng; Việc sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi, cù lao (đối với các tuyến sông có đê) chưa được quy định trong Luật hiện hành, cần được bổ sung lần này; Quy định về việc xây dựng cầu qua sông có đê còn vướng mắc trong quá trình thực hiện (đối với dự án xây mới, cải tạo mở rộng cầu cũ tại những vị trí khoảng cách giữa hai tuyến đê lớn); Sửa đổi quy định về quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để phù hợp với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. 

Do đó, để khắc phục những bất cập, vướng mắc lớn trong thực tiễn thi hành hai Luật này và đảm bảo phù hợp, thống nhất với một số luật liên quan, thì việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều là cần thiết.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nêu rõ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, tình trạng gia tăng quy mô, loại hình, tần suất và diễn biến bất thường của thiên tai nên thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn (mỗi năm ở Việt Nam có tới trên 400 người bị thiệt mạng, thiệt hại vật chất chiếm tới 1,5% GDP, hạ tầng kỹ thuật bị phá hủy nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế, cuộc sống người dân). Do vậy, Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này còn nhằm mục tiêu nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro thiên tai; bảo đảm tính chủ động trong phòng chống thiên tai; phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước và sự tham gia của khu vực tư nhân; đồng thời, bảo đảm việc thực thi cam kết, thỏa thuận quốc tế; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam.

Ủy ban thẩm tra đánh giá, các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều điều là bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần chỉnh sửa, quy định rõ hơn tại một số điều khoản như: quy định về vật tư trang thiết bị chuyên dùng cho phòng chống thiên tai tại khoản 4 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Luật Phòng, chống thiên tai) gồm những loại vật tư nào, do cơ quan nào quy định để phù hợp với đặc thù thiên tai của các địa phương; quy định về thẩm quyền của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai trong khắc phục hậu quả thiên tai tại khoản 17 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 30 Luật Phòng, chống thiên tai) là không phù hợp với tổ chức hoạt động mang tính chất kiêm nhiệm mà nên là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành…

.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội  Phan Xuân Dũng. 

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu; đã thể chế chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đi vào một số nội dung cụ thể, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt ra vấn đề sương mù và gió mạnh trên biển liệu có phải thiên tại không mà cơ quan soạn thảo quy định bổ sung hai hiện tượng này là thiên tai. Khi sương mù xuất hiện thì ảnh hưởng chủ yếu đến giao thông chứ không ảnh hưởng nhiều đến nông nghiệp. Hơn nữa, nếu quy định gió mạnh trên biển thì cần quy định là gió mạnh đến cấp mấy mới được coi là thiên tai. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc lại hai loại hình thiên tai này khi quy định bổ sung vào trong luật.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật; đánh giá hồ sơ Dự án đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội. Tuy nhiên Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị cần xem xét, nghiên cứu thêm về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo sự chính xác; cơ chế chịu trách nhiệm nếu như thông tin dự báo sai.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các Luật hiện hành có liên quan để tránh sự chồng chéo hoặc không thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, thẩm tra chính thức; đảm bảo đủ các điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 13 dự án Luật
Từ ngày 9/9 đến ngày 21/9/2019, Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư