Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sửa Luật Đất đai: Tránh hôm nay thu hồi đất xây chợ, ngày mai mọc lên dãy nhà
Nguyễn Lê - 03/11/2022 11:02
 
Lo ngại lạm dụng trong thu hồi đất, đại biểu Quốc hội đề nghị sửa Luật Đất đai lần này cần tránh tình trạng hôm nay thu hồi đất xây chợ, ngày mai mọc lên dãy nhà, dãy phố
.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh).

Lo ngại lạm dụng trong thu hồi đất, đại biểu Quốc hội đề nghị sửa Luật Đất đai lần này cần ránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh, nhưng ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, khu phố nằm trong khu chợ vừa xây dựng.

Tiếp tục kỳ họp thứ tư, sáng 3/11 Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhiều ý kiến đại biểu đều khẳng định đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến đời sống của toàn dân, tuy nhiên dự thảo còn khá nhiều nội dung chung chung như nghị quyết, chưa đủ rõ, đủ cụ thể nên thiếu tính khả thi.

Theo đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương), Dự thảo luật quy định "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" thì đầu tiên cần làm rõ nội hàm cái gì toàn dân quyết định, cái gì toàn dân ủy quyền cho nhà nước thì nhà nước mới được làm.

"Đây là việc vô cùng khó, lần sửa đổi này phải tính kỹ và phải quy định rõ trong Luật Đất đai, đặc biệt là quy định những nội dung nào dứt khoát phải toàn dân quyết định", ông Phàn đề nghị.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Phàn, đại biểu Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, phải chú trọng việc thể chể hoá chế độ sở hữu, càng rõ ràng rành mạch bao nhiêu thì đất nước, nhân dân càng được nhờ bấy nhiêu.

Về những nội dung cụ thể, nhiều đại biểu còn băn khoăn về chế độ thu hồi đất, nhất là thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đây cũng là vấn đề được Uỷ ban Kinh tế lưu ý cần cân nhắc rất kỹ khi thẩm tra dự án luật.

Đồng quan điểm của Ủy ban Kinh tế, đại  biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Bởi vì, việc thực hiện dự án nhà ở thương mại, mục tiêu đầu tiên mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Trong khi đó, dự thảo lại cho thu hồi để thực hiện dự án loại này có “nguy cơ dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng, kéo theo khiếu nại, khiếu kiện”.

Ông Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tinh thần của Nghị quyết 18, đó là thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

“Thiết kế trong Dự thảo không phù hợp với nội dung trong Nghị quyết 18", ông Tuấn khẳng định.

Đai biểu Tuấn cũng đề nghị các dự án có nguồn vốn tư nhân phải có quy định đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bao minh bạch, tránh lạm dụng gây bức xúc đối với người bị thu hồi đất.

Theo đại biểu thì dự luật cần quy định rõ ràng hơn điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội đất nước. “Tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh. Nhưng ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, khu phố nằm trong khu chợ vừa xây dựng”, ông Tuấn nhấn mạnh và nêu rõ thực trạng này đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.

Ở tổ thảo luận khác, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng bày tỏ tán đồng với quan điểm của Ủy ban Kinh tế về thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại.

Theo đại biểu thì tại báo cáo đánh giá tác động, cơ quan soạn thảo chỉ ra khá nhiều vấn đề bất cập nếu quy định Nhà nước không thu hồi đất mà thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Như, việc này sẽ thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, kéo theo nguồn lực đất nước tập trung cho nhà ở giải quyết nhu cầu ở mà không tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải, hàng hóa cho đất nước, thậm chí tăng trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ thỏa thuận thực hiện dự án đô thị như giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lớn người nông dân chuyển nhượng đất nông nghiệp để làm đô thị nhưng không kịp chuyển đổi nghề nghiệp, các vấn đề hạ tầng xã hội, giải quyết các vấn đề phát sinh do khoảng cách phân biệt giàu nghèo tạo ra từ việc phát triển đô thị theo cơ chế thỏa thuận...

Nhưng, đánh giá thế này có vẻ vẫn xuôi chiều, ông Hà Sỹ Đồng nhận xét.

Vị đại biểu Quảng Trị cho rằng, việc Nhà nước đứng ra thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại phải được đánh giá tác động kỹ hơn, như phân tích của cơ quan thẩm tra. Bởi vì, dự án nhà ở thương mại khó và không có cơ sở rõ ràng để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không để quy định thành trường hợp Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gia tăng.

Mặt khác, khi giá đất được xác định sát với giá thị trường thực sự chứ không phải như hiện nay thì sẽ không còn mức độ chênh lệch quá cao giữa mức giá nhà nước đền bù và mức giá doanh nghiệp tự thoả thuận với dân. Vì thế, lần sửa đổi này, theo đại biểu nên có quy định để thúc đẩy cơ chế tự thoả thuận để giảm bớt áp lực cho cơ quan nhà nước.

Theo nghị trình ngày 14/11 Quốc hội dành 1 ngày thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phân bổ nguồn lực sử dụng đất cần thông qua các công cụ thị trường
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đang có nhiều băn khoăn với Dự thảo Luật Đất đai.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư